(HNMO) - Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, thị trường ô tô trong nước tăng trưởng mạnh, nhưng chưa phục hồi tới ngưỡng của cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo ngày 13-4 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, các thành viên đã bán ra 30.038 xe các loại trong tháng vừa qua, gồm 21.696 xe du lịch, 7.990 xe thương mại, 352 xe chuyên dụng. Trong số này, doanh số xe du lịch tăng 28%.
Doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc được phân bổ đồng đều trong tháng 3. Trong đó, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra là 16.174 chiếc, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc tới tay khách hàng Việt Nam là 13.864 xe, tăng tương ứng 30% và 31% so với tháng 2-2023.
Như vậy, lượng xe mà VAMA bán ra trong tháng 3 tăng 30% so với tháng 2-2023, nhưng vẫn thấp hơn 19% so với tháng 3-2022. Toàn quý đầu năm 2023, VAMA đã bán được 60.800 xe các loại, thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng kinh doanh của VAMA tương đồng với các đơn vị không thuộc hiệp hội này. Theo báo cáo của TC Motor (lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam), tổng doanh số xe Hyundai tháng 3 đạt 5.773 xe, tăng trưởng 5,5% so với tháng 2-2023. Tuy nhiên, cộng dồn 3 tháng đầu năm, số xe Hyundai bán ra mới đạt 14.736 xe, sụt giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh tháng 3-2023 của VinFast ghi nhận tăng trưởng tốt, với 915 xe tới tay người tiêu dùng. Có được điều này một phần nhờ việc hãng xe Việt Nam đã chính thức bàn giao mẫu SUV điện cỡ lớn VF 9 cho những khách hàng đầu tiên trong nước từ ngày 27-3-2023. Tính đến hết tháng, đã có 51 xe VF 9 đến tay khách hàng.
Ngoài ra, VinFast đã bàn giao 395 xe VF 8 và 469 xe VF e34 cho khách hàng. Lũy kế 3 tháng đầu năm, VinFast đã bàn giao tổng cộng 1.689 ô tô điện cho khách hàng tại thị trường Việt Nam, bao gồm 773 chiếc VF e34, 865 xe VF 8 và 51 xe VF 9.
Như vậy, có thể thấy, “cơn bão” ưu đãi, khuyến mại mà các nhà sản xuất đang mạnh tay áp dụng tại Việt Nam trong những tháng qua đã tỏ ra hiệu quả và đóng góp tích cực vào doanh số. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa giúp thị trường ô tô trong nước hoàn toàn vượt qua giai đoạn khó khăn. Rào cản chính lúc này là việc lãi suất cao, trong khi kênh tài chính hỗ trợ từ các ngân hàng ngày càng hạn hẹp, khiến người tiêu dùng khó huy động nguồn tiền phục vụ việc mua xe. Còn các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục gánh chịu nhiều áp lực về quản lý tài chính, khiến việc mua sắm, nâng cấp phương tiện đi lại trở nên hạn chế hơn.
Tuy nhiên, nhận định về giai đoạn kinh doanh tới đây, nhiều nhà sản xuất tỏ ra lạc quan về quý II sẽ tăng trưởng cao hơn quý đầu năm, bởi đây thường là giai đoạn nhu cầu thị trường gia tăng, một phần nhờ rơi vào mùa cao điểm du lịch với nhu cầu di chuyển cao. Cùng với đó, nhiều mẫu xe ăn khách dự kiến sẽ có thêm các lựa chọn mới, biến thể phụ… cũng là động thái được đánh giá sẽ kích thích tiêu dùng hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.