Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nhân kiều bào là nguồn lực quan trọng

Đình Hiệp| 11/08/2013 06:08

(HNM) - Chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước lần thứ hai với chủ đề "Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt - cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh" do Ủy ban Nhà nước về người VNONN (Bộ Ngoại giao) chủ trì vừa kết thúc tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VNONN Nguyễn Thanh Sơn.

- Thứ trưởng nhận định thế nào về cuộc gặp lần thứ hai này?

- Tôi cho rằng hội nghị đã thành công lớn trên cơ sở rút kinh nghiệm cuộc gặp lần thứ nhất năm 2011 tại Hà Nội. Các vấn đề được nêu ra tại cuộc gặp rất thiết thực. Số doanh nhân tham dự rất đông, gần 700 đại biểu; trong đó, có khoảng 250 doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Thành công lớn nhất tại cuộc gặp là hai bên đều khẳng định vai trò cầu nối của nhau, giữa doanh nhân trong và ngoài nước để mở ra thị trường quốc tế. Doanh nhân trong nước khẳng định vị thế, vai trò hết sức quan trọng của doanh nhân ngoài nước trong việc đưa vốn về nước để đầu tư và lập các dự án.

Về những yếu tố tạo nên thành công trong giai đoạn mới, hai bên đã tìm ra được hướng đi là phải khẳng định sự hỗ trợ lẫn nhau, cùng giúp nhau để thực hiện thành công dự án trong và ngoài nước. Đặc biệt chúng ta thực hiện một chương trình rất quan trọng của Bộ Chính trị là cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Điều này không thể thiếu vai trò của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Dù đã triển khai tốt, nhưng quyết tâm của doanh nhân trong nước là tăng cường các mặt hàng chất lượng để chiếm lĩnh thị trường quốc tế - thị trường này doanh nhân ở nước ngoài đã giúp đỡ để các doanh nhân trong nước có địa bàn thuận lợi.

Vấn đề thứ hai là làm sao khẳng định được chất lượng của sản phẩm hàng Việt Nam. Chúng ta cố gắng qua các doanh nghiệp ở nước ngoài cùng với các doanh nghiệp nước sở tại để xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Các doanh nhân ở nước ngoài mong muốn các doanh nhân trong nước xác định các dự án cần thiết đầu tư vào các vùng, khu vực sao cho trúng, để đồng vốn đầu tư của doanh nhân ở nước ngoài về nước được thực hiện hiệu quả.

Tôi cho rằng, thời gian qua một số dự án đầu tư chưa hiệu quả do việc chọn lựa, xác định chiến lược đầu tư chưa đúng, chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nhân trong và ngoài nước. Tại cuộc gặp này, doanh nhân ở nước ngoài mong muốn doanh nhân trong nước cùng với các cơ quan chức năng, trong đó có Ủy ban Nhà nước về người VNONN, xác định các cơ chế chính sách cần cải tiến, cởi mở hơn để tạo điều kiện cho kiều bào ta ở nước ngoài về đầu tư hiệu quả hơn. Vốn của kiều bào mang về nước là nguồn lực quan trọng không chỉ với cá nhân mà còn mang tầm lợi ích quốc gia. Vì thế, nguồn vốn này cần được sử dụng hiệu quả để mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà nước.

- Trong các phiên thảo luận, các doanh nhân đã đưa ra nhiều kiến nghị. Vậy những kiến nghị đó được lắng nghe như thế nào?

- Các doanh nhân có kiến nghị chung là Chính phủ có chính sách cởi mở hơn, cơ chế thông thoáng hơn: đánh giá đầu tư của người VNONN về trong nước phải thông thoáng hơn và đúng với ý nghĩa, mục đích của dự án đó. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định, người VNONN là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một nguồn lực quan trọng và thực tế là nguồn lực rất quan trọng. Hiện có 3.600 doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố cả nước, với số vốn 8,6 tỷ USD, chưa kể lượng kiều hối hằng năm khoảng hơn 10 tỷ USD. Đây là những nguồn lực hết sức quan trọng với sự phát triển của đất nước. Cơ chế đã tốt cần được cải cách tốt hơn, nhất là cải cách hành chính hiệu quả từ trung ương tới địa phương. "Trên thông, dưới không thoáng" chỉ tạo bức xúc cho các doanh nghiệp kiều bào.

Có một thực tế là nhiều dự án đầu tư 100% vốn của kiều bào tại Việt Nam rất thành công nhưng lại phải trải qua không ít khó khăn. Điều đó cho thấy các dự án đầu tư của bà con kiều bào cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương. Các địa phương cần có cơ chế, chính sách linh hoạt.

- Sau cuộc gặp, chúng ta cần hành động cụ thể nào để phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nhân trong và ngoài nước?

- Tại cuộc gặp, các doanh nhân đã thảo luận theo nhóm các lĩnh vực quan tâm. Những đề xuất cụ thể cũng như những thuận lợi và khó khăn được đề cập và hướng giải quyết sẽ được kiến nghị với Chính phủ. Về mong muốn được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục yên tâm đầu tư, tôi khẳng định, Ủy ban Nhà nước về người VNONN luôn đóng vai trò cầu nối các doanh nhân trong và ngoài nước, cũng như sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, kiến nghị để đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều cuộc gặp tương tự cũng như nhiều hoạt động khác để tăng cường kết nối các doanh nhân trong và ngoài nước.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân kiều bào là nguồn lực quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.