(HNM) - Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) số lượng doanh nhân Hà Nội tăng dần và hình thành giai cấp tư sản dân tộc.
Họ tham gia kinh doanh, sản xuất trong nhiều lĩnh vực. Bạch Thái Bưởi kinh doanh trong vận tải đường sông, sau đó là khai khoáng và đóng tàu. Lĩnh vực in ấn có Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh. Đồ thủy tinh có Trịnh Đình Kính với các sản phẩm mang nhãn hiệu Thanh Đức. Gạch ngói xây dựng có Trần Văn Thành với nhãn hiệu Hưng Ký. Cự Doanh chuyên các sản phẩm dệt kim, Trịnh Văn Bô chuyên các sản phẩm lụa. Xuất nhập khẩu có Công ty Quảng Hưng Long...
Doanh nhân Hà Nội ra đời trong điều kiện không thuận lợi, phải cạnh tranh với giới kinh doanh Pháp tại Việt Nam, thương nhân Hoa kiều và các công ty mại bản có từ cuối thế kỷ XIX đã lớn mạnh vào đầu thế kỷ XX. Họ lại càng phát đạt qua chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1907-1914) và lần thứ hai (1919-1928) của Chính phủ Pháp. Thế nhưng các nhà tư sản dân tộc của Hà Nội trở thành doanh nghiệp không chỉ có tiếng ở trong nước và cả cõi Đông Dương. Thủy tinh Thanh Đức không chỉ tiêu thụ khắp Đông Dương mà còn xuất khẩu sang Algérie, Tuynidi và Maroc. Gạch ngói Hưng Ký nổi tiếng trên toàn cõi Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với gạch Satic của Pháp và có mặt trong cả các công trình tại Singapore. Tiếng tăm của Cự Doanh còn vang tới tận Madagascar (châu Phi) khi sản phẩm dệt kim Cự Doanh xuất khẩu sang xứ sở này. Doanh nhân Ngô Tử Hạ trở thành một trong 300 doanh nhân "có máu mặt" ở Đông Dương. Quảng Hưng Long được đánh giá là công ty xuất nhập khẩu lớn nhất Bắc Kỳ có vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Hà Nội. Chính những doanh nhân này đã hình thành nên giai cấp tư sản Hà Nội.
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô, doanh nhân yêu nước đã hiến tặng cho Nhà nước. |
Giàu có nhưng họ có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc mong muốn nước nhà độc lập thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp. Những năm 1932-1945, ông Đỗ Đình Thiện đã tham gia các hoạt động yêu nước như phong trào Mặt trận bình dân, ủng hộ tiền cho Báo Lao động (Le Travail), tuyên truyền vận động đưa người của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Viện Dân biểu. Năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục ở nhà tù Sơn La, bắt liên lạc với vợ chồng ông bà Đỗ Đình Thiện tại nhà riêng ở số 54 Hàng Gai, được ông bà giúp cho 3 vạn đồng Đông Dương. Đầu năm 1945, ông bà lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng nữa. Đầu những năm 1940, ngôi nhà ở 54 Hàng Gai trở thành "nhà khách" của các nhà cách mạng. Ngày 1-9-1945, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giúp 10 triệu đồng để Chính phủ mới chi dùng. Trong "Tuần lễ vàng" gia đình ông Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng. Ông Đỗ Đình Thiện còn là thư ký riêng tháp tùng Bác Hồ trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp trong dịp Hội nghị Fontainebleau và ký tạm ước ngày 14-9-1946. Khi toàn quốc kháng chiến, đồn điền Chi Nê (nay là xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) của ông bà đã trở thành điểm dừng chân cho một số đơn vị bộ đội trên đường vào Nam chiến đấu. Riêng vụ lúa thu 1946-1947, ông bà ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc để nuôi quân. Ông bà Thiện đã mua lại nhà in To-panh rồi hiến cho Chính phủ. Tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam (còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh") được in tại đồn điền Chi Nê khi nhà máy in chuyển lên đây. Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).
Ngày 23-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Gạ (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Người nghỉ ở đây một ngày, hôm sau Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Để bảo đảm bí mật, vợ ông Bô là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trực tiếp chăm sóc Bác Hồ. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau này ông bà Trịnh Văn Bô đã hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước và hiện nhà 48 Hàng Ngang trở thành di tích lịch sử - văn hóa cách mạng.
Không chỉ làm ăn giỏi, doanh nhân Ngô Tử Hạ còn sớm giác ngộ cách mạng. Ông được xem là mạnh thường quân của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Nhà in của ông cũng ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn cho cách mạng. Những giọt mực cuối cùng ở nhà in Ngô Tử Hạ ở phố Lý Quốc Sư đã dùng để in những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ cụ Hồ, trước khi nhà in ấy bị quân Pháp đốt cháy ngay trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông Hạ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Đến trước khi mất, ông Ngô Tử Hạ vẫn còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (sau này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)...
Không chỉ góp phần làm rạng rỡ nền thương nghiệp nước nhà, Nhà máy Gạch Hưng Ký (ở Phúc Yên - nay thuộc huyện Sóc Sơn) của doanh nhân Trần Văn Thành còn là nơi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 8-1929. Cũng tại đây, đầu năm 1947, các chiến sĩ quân báo và du kích đã hai lần treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh ống khói nhà máy khích lệ, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân địa phương. Và còn rất nhiều tấm lòng với cách mạng của các doanh nhân - tư sản Hà Nội khác. Một doanh nhân khác là bà Vương Thị Lai, ở tuổi 28 đã góa chồng nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp của mình bằng nghề buôn bán tơ lụa. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới ra đời gặp phải muôn vàn khó khăn, bà đã mang tài sản mà mình có được nhờ lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ cách mạng. Bà đã đóng góp 109 lạng vàng cho cách mạng trong "Tuần lễ vàng" đầu tiên ở Hà Nội mặc dù hai con đang học tập tại Pháp, nhưng bà vẫn hy sinh cả gia tài cho cách mạng. Trước tình cảm của bà với cách mạng, ngày 10-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà Vương Thị Lai chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Đây là tấm huy chương đặc biệt - quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác. Bà Vương Thị Lai đã tham gia Hội đồng nhân dân thành phố, là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam. Người con trai cả của bà là Giáo sư, bác sỹ Mai Thế Trạch, sau này, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về giúp Tổ quốc như bao trí thức Việt Nam yêu nước khác. Người con trai thứ hai là ông Mai Thế Nguyên, một người Việt từng tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy, đã làm phiên dịch cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris. Còn doanh nhân Đoàn Đức Ban chuyên sản xuất nước mắm nổi danh khắp Bắc Kỳ từng nuôi giấu cán bộ tại nhà của ông ở phố Trần Nhật Duật, trong đó có ông Trần Duy Hưng, người sau này làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Gia đình ông đã nhiều lần bí mật ủng hộ tiền, vàng cho cách mạng. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nhân khác bằng nhiều hình thức đã tích cực đóng góp ủng hộ kháng chiến và cách mạng thành công.
Từ khi đổi mới và đặc biệt năm 2004, khi Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 13-10 hằng năm là ngày doanh nhân Việt Nam thì nhiều doanh nhân có đóng góp lớn cho cách mạng được xã hội trân trọng ghi công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.