Trong 12 tháng qua, đã có 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán tới khách hàng Amazon khắp thế giới, với tổng giá trị tăng 50% so với giai đoạn trước đó.
Đây là số liệu được sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới công bố trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới lần thứ 5 diễn ra ngày 17-10, tại Hà Nội.
Cụ thể, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31-8-2023, các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán 17 triệu sản phẩm ra khắp thế giới. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp bán trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%.
Theo Amazon Global Selling, các ngành hàng đang chứng kiến tốc độ kinh doanh ấn tượng nhất trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon là: Nhà cửa, nhà bếp, chăm sóc sức khỏe và cá nhân, may mặc, làm đẹp. Trong đó, ngành hàng làm đẹp và thực phẩm chức năng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh.
Thực tế trên là cơ sở để Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon phụ trách Khối Đối tác bán hàng quốc tế Eric Broussard nhận định, Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu với những thế mạnh về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng.
Phát biểu trong các phiên thảo luận, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho biết, thương mại điện tử đã góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Về phần mình, các nhà bán hàng góp mặt tại hội nghị cũng đánh giá cao vai trò của các kênh “xuất khẩu trực tuyến”. Bà Trần Phương Nga, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long, bày tỏ kỳ vọng việc tập đoàn này tham gia bán hàng toàn cầu qua Amazon kể từ năm 2023 sẽ là một bước đi chiến lược nhằm tiếp cận người tiêu dùng quốc tế và tạo chỗ đứng trên thị trường toàn cầu cho thương hiệu văn phòng phẩm quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi như xử lý nhanh gọn thủ tục và giấy tờ, tối ưu hóa vận chuyển..., vẫn tồn tại không ít thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục để thích ứng hiệu quả hơn với môi trường tiêu dùng quốc tế, trong đó có tùy biến sản phẩm để phù hợp với nhu cầu từng khu vực.
Trong khi đó, các nhà bán hàng quốc tế đánh giá, xu hướng mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến từ Việt Nam ra toàn cầu tại thời điểm hiện nay mang cho họ nhiều lợi thế, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dây chuyền sản xuất hàng hóa dịch chuyển tới nền kinh tế năng động này.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng mong muốn các nhà cung ứng tại Việt Nam có thể cải thiện về năng lực đóng gói sản phẩm, để làm sao vừa đạt được mức chi phí tốt hơn, vừa đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn quốc tế.
Cũng tại hội nghị lần này, Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố 3 trọng tâm chiến lược dành cho thị trường Việt Nam trong năm 2024.
Thứ nhất là tập trung vào tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Thứ hai là thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam.
Thứ ba là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cơ hội xuất khẩu trực tuyến…
Các nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần tăng tốc xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy đổi mới kinh doanh và chuyển đổi số tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.