(HNM) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giống như nhiều ngành, lĩnh vực khác, suốt 2 năm qua các doanh nghiệp viễn thông cũng bị nhiều ảnh hưởng. Khi cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, năm 2022 được các nhà mạng kỳ vọng có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như việc chủ động phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và phục vụ chuyển đổi số…
Từ triển vọng tăng trưởng kinh tế...
Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 6-6,5%. Các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế nhận định, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi khi Việt Nam là một trong số quốc gia có độ phủ vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Các tổ chức tài chính toàn cầu cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,5-6,8%...
So với các ngành như Hàng không, Du lịch, Vận tải…, viễn thông ít bị tác động của đại dịch Covid-19 hơn. Song, khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cũng sụt giảm không nhỏ. Thực tế, trong 2 năm 2020, 2021, lĩnh vực viễn thông tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Con số này cũng là mức tăng trưởng doanh thu của 2 doanh nghiệp lớn: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… Do vậy, có thể nói, việc hồi phục kinh tế sẽ là “cú hích” cho ngành Viễn thông bứt phá trở lại.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone, thuộc Tập đoàn VNPT) Nguyễn Trường Giang phân tích, các dự báo tăng trưởng kinh tế là tiền đề để doanh nghiệp đưa ra các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, các căn cứ từ quy mô nền kinh tế trong nước và các gói giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ, sự tăng cường dòng tiền đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hồi phục và phát triển sôi động. Tất nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trở lại sẽ đem lại doanh thu dịch vụ cho nhà mạng.
...đến sẵn sàng đón cơ hội bứt phá
Về sự sẵn sàng của nhà mạng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho biết, trước hết, doanh nghiệp phải bảo đảm hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, cho quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là chiến lược mà MobiFone theo đuổi trong 3 năm qua, với việc hoàn thành phát triển mới 40.000 trạm thu phát sóng 4G, chú trọng vùng phủ ở cả khu vực nông thôn; thực hiện quang hóa 95% tuyến truyền dẫn để bảo đảm tốc độ băng thông chất lượng cung cấp cho khách hàng… Song song với hạ tầng, MobiFone đầu tư phát triển các nền tảng số và trở thành một trong số những đơn vị cung cấp nền tảng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. “Chúng tôi đã đăng ký cung cấp 15 nền tảng số, đồng thời đặt kỳ vọng đến năm 2025 doanh thu từ các dịch vụ số sẽ chiếm 15-20% (tương đương 3.000-4.000 tỷ đồng) tổng doanh thu”, ông Bùi Sơn Nam thông tin.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trường Giang, VNPT đã tập trung phát triển các sản phẩm, giải pháp nền tảng để phục vụ Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong hướng phát triển mới, VNPT sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác, nhà cung cấp để đưa ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, VNPT có kế hoạch đưa khách hàng lên môi trường số để trải nghiệm các dịch vụ số…
Đại diện Tập đoàn Viettel cũng cho hay, Viettel đã chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, với mục tiêu đạt doanh thu (từ doanh nghiệp và người dùng cuối) tăng từ 14.000 tỷ đồng năm 2020 lên 24.800 tỷ đồng năm 2023, đứng tốp 3 về chuyển đổi số cho doanh nghiệp lớn. Viettel cũng đặt mục tiêu làm chủ công nghệ có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, như công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện ký tự quang học, trí tuệ nhân tạo (AI).
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì GDP sẽ tăng tương ứng 0,1%. Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao, việc phát triển hạ tầng băng rộng sẽ ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng. Do vậy, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ internet băng rộng cố định và di động. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục nâng băng thông cho các gói cước hiện hành, bổ sung gói cước tốc độ cao, mở rộng băng thông kết nối trong nước; tăng tuyến cáp quốc tế, nâng băng thông kết nối quốc tế. Cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét bổ sung băng tần cho hệ thống 4G; ưu tiên phát triển thêm trạm 4G tại địa bàn trọng yếu… Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng có chính sách thúc đẩy chuyển đổi sử dụng smartphone và dừng công nghệ cũ với mục tiêu tháng 12-2022 chỉ còn 5% điện thoại cơ bản; phát triển thuê bao băng rộng cố định và cáp quang tới hộ gia đình, bảo đảm cung cấp dịch vụ truy cập internet tốc độ cao phổ cập tới cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.