Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp vận tải công cộng chưa hết khó

Tuấn Lương| 29/07/2022 06:23

(HNM) - Giá xăng, dầu giảm mạnh liên tiếp đã phần nào giúp các doanh nghiệp vận tải “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ những khó khăn từ sau giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài cùng giá nhiên liệu liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao trước đó vẫn đang gây ra rất nhiều thách thức cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Giá xăng, dầu giảm đã giúp các doanh nghiệp vận tải bớt khó khăn. Ảnh: Đỗ Tâm

Vẫn đang hoạt động cầm cự

Từ 15h ngày 21-7, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, xăng E5RON92 giảm 2.715 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 3.605 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít... Đây là lần thứ ba, giá xăng, dầu giảm liên tiếp sau chuỗi ngày tăng giá mạnh.

Việc xăng, dầu giảm giá mạnh đã giúp các doanh nghiệp vận tải bớt đi rất nhiều áp lực. Theo nhiều lái xe taxi, với việc giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian dài, cước phí thu từ khách hàng không đủ bù chi. Một số lái xe chọn cách tạm nghỉ. “Muốn tăng giá cước, doanh nghiệp phải có văn bản gửi cơ quan chức năng, sau khi được chấp thuận mới có thể điều chỉnh. Nhưng xăng, dầu biến động thất thường, việc đề xuất tăng, giảm giá cước còn phải nghe ngóng từ thị trường”, anh Nguyễn Văn Thành, lái xe của Hãng Taxi G7 cho biết.

Về phía các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, áp lực không chỉ đến từ giá xăng, dầu liên tục biến động thời gian qua mà còn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến một số thời điểm xe buýt phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động với 50% công suất. Tới giữa tháng 7-2022, xe buýt mới được hoạt động trở lại với 100% công suất. Tuy nhiên, các đơn giá, định mức để đấu thầu hoạt động xe buýt lại được xây dựng từ giai đoạn năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng là việc Công ty TNHH Bắc Hà đã phải xin trả lại thành phố Hà Nội 5 tuyến buýt xã hội hóa do khó khăn về tài chính.   

Là doanh nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng chuyến lượt của xe buýt do doanh nghiệp này thực hiện ước đạt khoảng 80,4%, lượng khách ước đạt 30% so với số lượng đặt hàng, đấu thầu và bằng 65,8% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu bán vé sau phân bổ ước đạt 37,2% so với kế hoạch đấu thầu - đặt hàng, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả thực hiện thấp chủ yếu do cắt giảm tần suất phục vụ theo điều hành của cơ quan quản lý trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, các tuyến xe buýt sân bay đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn khó khăn do lượng hành khách quốc tế còn hạn chế. Sản lượng chuyến lượt chỉ bằng 30% giai đoạn trước dịch. Cụ thể, tuyến số 86 (Ga Hà Nội - sân bay Nội Bài) hiện đạt bình quân 14 khách/lượt, nhưng doanh thu chỉ bằng 18,5% so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Tuyến số 68 (Hà Đông - sân bay Nội Bài) chỉ đạt 8,8 khách/lượt, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2020... Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Transerco luôn nỗ lực duy trì hoạt động, phục vụ hành khách.

Các doanh nghiệp vận tải công cộng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực từ biến động giá xăng, dầu và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tuấn Khải

Kiến nghị nhà nước hỗ trợ

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định, giá xăng, dầu giảm sẽ giúp kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp cũng có điều kiện ổn định hoạt động và tới đây sẽ có những điều chỉnh giá cước hợp lý với tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá. Song, giá xăng, dầu bấp bênh cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không dễ xoay xở. Đại diện một số doanh nghiệp taxi nhận định, trong bối cảnh hiện nay, giá xăng, dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường. Vì vậy, để hạn chế việc điều chỉnh giá cước nhằm giữ chân khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vận tải nói chung, vận tải hành khách công cộng nói riêng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục xem xét, nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu nhập khẩu.

Đại diện lãnh đạo Transerco cho biết, thời gian tới, Transerco sẽ xây dựng biểu đồ, tần suất chạy xe theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, Transerco cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành xem xét điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu xe buýt năm 2022 cho phù hợp với tình hình thực tế, xuất phát từ nguyên nhân khách quan.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, để xe buýt giữ vững vai trò “xương sống” của giao thông đô thị, thành phố Hà Nội cần kích hoạt hệ thống chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; tính đúng, tính đủ chi phí để xe buýt duy trì hoạt động. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị thành phố sớm triển khai một số giải pháp, trong đó có việc xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng tần suất trên tất cả các tuyến vận tải hành khách công cộng, qua đó tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vận tải công cộng chưa hết khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.