(HNMO) - Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn không như kỳ vọng của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Lượng tiền gửi từ doanh nghiệp cũng giảm trong khi tiền gửi của dân cư vào tổ chức tín dụng tiếp tục tăng.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng, kênh gửi tiền của ngân hàng đã hút hơn 11,9 triệu tỷ đồng, trong đó, riêng số tiền do người dân gửi vào lên đến 6,28 triệu tỷ đồng. Tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua) đạt hơn 14,415 triệu tỷ đồng, tăng 1,32% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng này tương đương với gần 190.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng đạt mức hơn 11,9 triệu tỷ đồng, trong đó, tăng trưởng huy động vốn vẫn chủ yếu dựa vào nhóm khách hàng dân cư. Cụ thể, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng vào khoảng 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7,08% so với cuối năm 2022; tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp đạt 5,66 triệu tỷ đồng. Nếu so sánh với cuối năm 2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 4,8%, tương đương trên 275.000 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng này bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.
Cũng theo thống kê, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dẫn đầu về tiền gửi khách hàng, với 1.497 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2022. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), với tổng tiền gửi lần lượt là 1.281 triệu tỷ đồng và 1.272 triệu tỷ đồng.
Về lãi suất, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, tính đến đầu tháng 3, lãi suất huy động hạ nhiệt ở kỳ hạn 12 tháng khi bình quân tại nhóm ngân hàng TMCP tư nhân và nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh lần lượt ở mức 7,8%/năm và 7,2%/năm, giảm lần lượt 41 điểm và 20 điểm cơ bản so với thời điểm cuối tháng 1. Xu hướng giảm mạnh lãi suất huy động tiếp tục được kéo dài tới tháng 6.
Dự báo về xu hướng lãi suất, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm, trong đó, giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5 điểm %. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác nhưng khá thận trọng trước những diễn biến kinh tế trong nước cũng như tăng trưởng trên toàn cầu.
Đối với lãi suất cho vay, mặc dù giảm so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay. Theo kết quả khảo sát gần đây của Vụ Dự báo - Thống kê tại Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đang đưa ra kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,08 - 0,1 điểm % trong quý II và giảm thêm 0,19 - 0,34 điểm % trong cả năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.