Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp thờ ơ với tài sản trí tuệ

Phương Hoàn| 21/05/2010 06:43

(HNM) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) mang tính chất sống còn của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Nhưng hiện nay, nhiều DN chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này.

Chế biến hạt điều tại tỉnh Bình Phước.


Những con số "biết nói"

Ngày 4-4-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN. Luật SHTT cũng đã có hiệu lực từ đầu năm 2007. Nhưng sau 3 năm triển khai, số DN thi hành theo luật này còn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay số DN nước ta đăng ký SHTT còn rất thấp. Theo thống kê của Cục SHTT, năm 2009, cả nước có 29 sáng chế, 45 giải pháp hữu ích, 747 kiểu dáng công nghiệp và 16.231 nhãn hiệu được cấp bằng SHTT. Con số này quá khiêm tốn so với khoảng 400.000 DN đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Một ví dụ khá điển hình cho thấy các DN chưa quan tâm đúng mức cho hoạt động SHTT là trong sản xuất, kinh doanh hạt điều. Lễ hội Quả điều vàng vừa diễn ra tại tỉnh Bình Phước chứng tỏ hạt điều có vị trí xuất khẩu số 1 của nông dân các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nhưng hiện nay số DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chỉ là 145 và chưa có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nổi tiếng thế giới này. Ngay như Hà Nội, trong 5 năm gần đây cũng chỉ có tổng số 13.360 đơn vị đăng ký SHTT, chủ yếu là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (12.129 đơn), kiểu dáng công nghiệp chỉ có 942 đơn và giải pháp hữu ích, sáng chế là 289 đơn. Thực tế đáng lo ngại này tồn tại ở rất nhiều DN trong hầu hết các mô hình sản xuất, kinh doanh. Hay như ở Đà Nẵng, hàng nghìn DN đã ra đời trong những năm qua nhưng đến nay mới có khoảng 500 đơn vị đã đăng ký bảo hộ SHTT, chiếm 10% số DN đang hoạt động trên địa bàn.

Tình trạng đăng ký SHTT của Việt Nam ra nước ngoài cũng không mấy khả quan. TS Hồ Thúy Ngọc (ĐH Ngoại thương Hà Nội) cho biết, 5 năm trở lại đây, số lượng sáng chế được yêu cầu bảo hộ của Việt Nam vào Hoa Kỳ quá ít so với số đơn nộp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, tỷ lệ tương ứng là 3/356 năm 2004, 6/523 năm 2005 và 3/728 năm 2007. Số sáng chế được cấp bằng càng ít, năm 2005 là 2 sáng chế, thậm chí năm 2006 và năm 2008 không có sáng chế nào. Tình trạng này tương tự với đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu. Những con số ấy rõ ràng là tín hiệu không mấy tốt đẹp.

Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Ông Tạ Quang Minh, Cục phó Cục SHTT (Bộ KHCN) cho biết, có tình trạng DN ít quan tâm đến bảo hộ SHTT là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này đối với công tác sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, có không ít DN nước ta do chưa đăng ký SHTT nên đã bị DN nước ngoài chiếm đoạt tên sản phẩm, gây thiệt hại nặng nề, lúc đó mới quan tâm đến SHTT thì đã muộn. Ngoài ra, nhiều DN cũng chưa có đủ thông tin về vấn đề này. Kết quả khảo sát các DN tại Việt Nam đã cho chúng ta thấy một con số đáng giật mình. Trong 500 DN được khảo sát ngẫu nhiên trên địa bàn cả nước thì có hơn 36% DN không quan tâm đến vấn đề này và chỉ có 10% DN trích trên 5% doanh thu cho công tác bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm, hàng hóa của mình.

Ông Tạ Quang Minh cho biết thêm, thời gian tới, Cục SHTT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về SHTT cho các DN và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, Cục SHTT sẵn sàng cung cấp thông tin tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho DN cũng như triển khai các nội dung hỗ trợ xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ quốc gia. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ đẩy mạnh thúc đẩy phát triển hệ thống các cơ quan, tổ chức dịch vụ về SHTT như tổ chức đại diện SHTT; tổ chức tư vấn, hỗ trợ về SHTT trong các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường ĐH… để các cơ quan, tổ chức này cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho DN khi có nhu cầu.

Hơn lúc nào hết, DN cần quan tâm đúng mức đến công tác SHTT bởi đây sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa thị trường rộng lớn nhưng đầy khắt khe của thế giới thời hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thờ ơ với tài sản trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.