(HNMO) - Việc kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới là xu thế, là lợi thế của kinh tế số. Nhưng, nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, Nhà nước thất thu thuế... Vì thế, dự thảo Luật An ninh mạng đang được Quốc hội xem xét trong kỳ họp này đã đưa ra quy định...
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số cho biết, đang phải cạnh tranh bất bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tiêu biểu là Facebook của Mỹ. Doanh nghiệp này hiện đang cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới, với 2 tỷ người dùng, trong đó tại Việt Nam có 48 triệu tài khoản. Nếu như doanh nghiệp trong nước phải có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ, làm sai nội dung giấy phép bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, thì Facebook đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ cùng lúc (như mạng xã hội, đọc báo, livestream...) mà không phải xin phép, cũng như bị kiểm duyệt nội dung. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong nước còn phải đóng các loại thuế theo quy định, trong khi doanh nghiệp xuyên biên giới không đóng đồng nào... Như vậy trên thực tế, doanh nghiệp nội đang bị “trói tay” trước các doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty VTC Intecom, một hạn chế khác là lĩnh vực nội dung số đang chuyển dịch mạnh từ máy tính sang mobile (điện thoại di động), nhưng chính sách quản lý vẫn chưa phù hợp. Do đó, việc cung cấp nội dung số trên mobile vừa phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân theo các quy định của nhà cung cấp nền tảng, phải tìm cách đáp ứng các yêu cầu của các store (kho ứng dụng) để đưa sản phẩm lên. Chưa kể, đầu tư vào công nghệ số cần 3-5 năm mới có được một nền tảng tốt, nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn và chọn cách kinh doanh ngắn hạn...
Tổng Giám đốc VC Corp Nguyễn Thế Tân bổ sung: Doanh thu từ lĩnh vực nội dung số tại thị trường trong nước khá lớn, ước 1 tỷ USD/năm. Trong số này, các doanh nghiệp nội hiện chiếm 50% thị phần - tương ứng 500 triệu USD, giảm 20% so với những năm trước (chiếm 70% thị phần). Điều này cho thấy, dù nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lớn, song, nếu không có chính sách quản lý đối với doanh nghiệp ngoại sẽ tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn trong cạnh tranh.
Để tăng cường quản lý các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong dự thảo Luật An ninh mạng (vừa được Chính phủ trình Quốc hội), tại Điểm 4, Điều 34 quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”. Việc yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng công nghệ này tuân thủ pháp luật nước sở tại cũng là yêu cầu mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển thuộc Liên minh Châu Âu đặt ra.
Cùng với đó, ông Nguyễn Thế Tân đề xuất, cơ quan chức năng nên “cởi trói” cho doanh nghiệp nội theo hướng giảm dần thủ tục, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đồng thời, nghiên cứu áp dụng chính sách thuế hợp lý hơn với các doanh nghiệp nội dung số nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp nội chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không phải chịu thuế... Hiện, cùng với thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung số cũng đang tìm cách phát triển dịch vụ ở nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.