(HNM) - Dịp cuối năm, giá cả ngày càng leo thang, đồng lương eo hẹp, điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn… đó là những áp lực luôn đè nặng lên người công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội. Về phía các doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động có năng lực đáp ứng nhu cầu cũng rất nan giải do nguồn cung ngày càng khan hiếm…
Doanh nghiệp: Không tuyển được người
Một ngày cuối tuần tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), đi tới đâu cũng dễ dàng nhận thấy những thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, từ nhà chờ của các bến xe buýt, đến khu vực siêu thị hoặc bên ngoài trụ sở của một số ngân hàng… Nói chung là những khu vực tập trung đông người qua lại. Song, trong thực tế số người quan tâm đọc những thông báo này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đại diện một số công ty luôn phải đôn đáo đến các tỉnh miền núi để tuyển lao động. Ngoài ra họ còn huy động số lượng lớn anh em, bạn bè của những công nhân đang làm việc trong đơn vị của họ và hứa sẽ trả cho công môi giới là 200.000- 300.000 đồng/người. Việc tìm kiếm, tuyển dụng thực sự khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã phải "chữa cháy" bằng cách giảm số lượng đơn đặt hàng của đối tác.
Tại Khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), Công ty Goshi Thăng Long đăng thông báo tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương ban đầu là 1,8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động còn được các khoản trợ cấp ăn trưa 10.000 đồng/bữa; trợ cấp chuyên cần: 200.000 đồng/tháng, trợ cấp kỹ năng: 100.000-300.000 đồng/tháng, trợ cấp theo thâm niên: 40.000 đồng/tháng/năm làm việc, trả hằng tháng... đồng thời có chế độ thưởng hằng năm, mua xe máy trả góp, đào tạo miễn phí.... nhưng số lao động phổ thông vào làm việc rất hiếm. Theo đại diện công ty thì thực ra số lao động có trình độ đại học đăng ký làm việc rất nhiều nhưng công ty chỉ cần công nhân tốt nghiệp THPT. Thời gian đầu công ty này có tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng vào làm vị trí công nhân theo đề nghị của họ. Trong thời gian làm việc, do chênh lệch về trình độ nên chỉ được một thời gian ngắn là họ bắt đầu chán nản, tìm cách đòi quyền lợi hoặc bỏ việc giữa chừng. Tình trạng này xảy ra khá nhiều. Do vậy, mặc dù có rất nhiều hồ sơ ứng viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng công ty vẫn phải xếp vào một góc để tuyển dụng lao động phổ thông.
Công nhân: Lo lắng đủ đường
Giá cả cuối năm đội lên cao ngất ngưởng trong đó giá tiền trọ thuê phòng là nỗi lo chính của người lao động. Trong căn phòng trọ rộng có 9m2 của vợ chồng anh Trần Văn Thuận ở xã Gia Trung (Mê Linh, Hà Nội), mùi ẩm mốc cộng với mùi quần áo bị hôi sữa của trẻ con khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Hai vợ chồng, một đứa trẻ cùng với bà nội lên chăm cháu sống trong ngôi nhà thuê tạm như vậy quả là bề bộn. Chưa hết, tiền lương mỗi tháng của hai vợ chồng anh Thuận được khoảng 4 triệu đồng chỉ đủ tiền chi tiêu, thuê trọ và đủ cho con tiền sữa. Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hồng ở KCN Thăng Long không thu xếp được việc chăm con nên đành cho con về sống với ông bà nội. Hai vợ chồng chị Hồng đều làm ở Công ty liên doanh Sumi. Vào dịp cuối năm hoặc những lúc công ty có đơn hàng lớn là cả hai đều phải làm tăng ca. Nếu cho con nhỏ đi trẻ thì chỉ đến 17h chiều là phải đón con, lúc đó họ biết gửi con cho ai?
Hiện tại KCN Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có khoảng 2 vạn công nhân đang làm việc. Trong đó công nhân ở độ tuổi 19 đến 30, lứa tuổi xây dựng gia đình và sinh đẻ nên kéo theo đó là hàng nghìn đứa trẻ sinh sống cùng. Dân số tăng theo mùa nhưng số lượng nhà trẻ không tăng. Hiện cả xã chỉ có một trường mầm non với 3 khu đặt ở 3 thôn, tổng cộng có 21 nhóm lớp cho trên 800 trẻ ở các lứa tuổi theo học.
Sự chênh lệch về con số giữa những đứa trẻ và số trường mầm non tại xã Kim Chung hiện nay là hồi chuông báo động cho 7 khu công nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội về nơi ở, điều kiện sống và thu nhập của công nhân. Tình hình trên còn cho thấy, các doanh nghiệp cũng chịu những áp lực từ việc tuyển dụng không đủ người làm do những điều kiện sống tối thiểu của người lao động chưa được đáp ứng. Tình trạng này có một phần trách nhiệm của các đơn vị xây dựng các khu công nghiệp - khu chế xuất. Nếu ngay từ bản vẽ thiết kế họ đã tính toán hết bài toán hạ tầng, phụ trợ thì bây giờ cả doanh nghiệp và người lao động sẽ giảm bớt rất nhiều những khó khăn như trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.