(HNM) - Ngay sau khi có thông tin Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp chiếm tới 49% thị phần kinh doanh xăng dầu, đạt mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2013 lên tới gần 900 tỷ đồng và việc các DN xăng dầu đầu mối đua nhau tăng mức chiết khấu hoa hồng đại lý
Đại lý hưởng lợi, người dân chịu thiệt
Việc minh bạch giá bán lẻ xăng dầu là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ảnh: Viết Thành |
Là một trong những mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, việc tăng hay giảm giá bán lẻ xăng dầu dù ở mức rất nhỏ cũng luôn tạo ra những tác động rõ nét tới giá thị trường. Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng đã trải qua 4 lần điều chỉnh tăng, trong đó có 3 lần liên tiếp tăng trong hơn một tháng. Lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào ngày 17-7, xăng đã tăng 460 đồng/lít, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 24.570 đồng/lít. Ngày 22-8 vừa qua, sau một thời gian dài dư luận đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề minh bạch các chi phí để hình thành giá bán lẻ, giá xăng, dầu đã bất ngờ giảm nhẹ 260-300đồng/lít, tùy chủng loại. Theo quy định tại Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, mặt hàng thiết yếu này được điều chỉnh bám sát tín hiệu thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn cách tính giá cơ sở, lợi nhuận định mức của DN… khi xây dựng giá lẻ xăng, dầu. Song vì tính chất nhạy cảm của mặt hàng này, bất kỳ một thông tin nào liên quan tới giá cũng gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, ngay sau khi Petrolimex gửi Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2013 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công bố mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 898 tỷ đồng, dư luận đã đặt câu hỏi về việc vì sao trong những lần điều chỉnh tăng giá xăng gần đây, DN này thường xuyên báo lỗ lớn, trong khi đó số liệu mới công bố lại cho thấy khoản lãi không nhỏ? Thông tin về việc một số DN xăng dầu đầu mối đua nhau tăng mức chiết khấu hoa hồng đại lý ở mức 750 đồng/lít dầu và hơn 600 đồng/lít xăng cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, DN xăng dầu có lãi và nâng hoa hồng cho đại lý để đẩy mạnh lượng tiêu thụ nhưng vì sao mức giảm giá bán lẻ để chia sẻ với người tiêu dùng lại luôn nhỏ giọt một cách chưa tương xứng?
Theo Petrolimex, 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của doanh nghiệp đạt 898 tỷ đồng, sau khi trừ thuế, mức lãi đạt 687 tỷ đồng. Trong số 898 tỷ đồng, lãi từ các mặt hàng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 388 tỷ đồng (chiếm 43%). Mức lãi sau thuế như công bố chỉ chiếm 4,7% so với tổng vốn tập đoàn phải bỏ ra là hơn 14.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xăng dầu bán ra của Petrolimex đạt 4,1 triệu mét khối, bình quân chỉ lãi 94 đồng/lít xăng dầu trước thuế. |
Quản lý các yếu tố cấu thành giá
Tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do các DN có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh" do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng với nền kinh tế thị trường, giá cả được hình thành theo quan hệ cung cầu, cạnh tranh và những tín hiệu khách quan. Song trên thực tế, luôn tồn tại những "thất bại" do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Lúc này, quản lý nhà nước về giá đóng vai trò quan trọng. Sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định, vào thời điểm nhất định là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ở nước ta, giá xăng dầu, điện… hiện do một số DN độc quyền sản xuất kinh doanh chi phối. Tổng kết đánh giá công tác quản lý nhà nước về giá đối với những mặt hàng này, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá hàng độc quyền. Trong đó, nhóm giải pháp về tăng cường tính công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước được đặc biệt chú trọng.
Liên quan đến việc minh bạch hóa lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngoài vai trò của Nhà nước, bản thân các DN cũng đã chủ động xây dựng đề án minh bạch hóa cơ chế quản lý giá. Đại diện Petrolimex cho biết, để thực hiện được điều này, phải bắt đầu từ việc sửa đổi những bất cập về nghị định kinh doanh xăng dầu. Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần phân định rõ vai trò, vị trí của giá cơ sở và cơ quan công bố giá cơ sở duy nhất là Bộ Tài chính làm tiêu chuẩn để các DN đầu mối tổ chức hoạt động kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát đối với giá.
Trong bối cảnh nghị định quy định việc kinh doanh xăng dầu đã và đang bộc lộ những bất cập cần sửa đổi, hoàn thiện, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để minh bạch giá bán lẻ xăng dầu, trước khi nghiên cứu ban hành một quy định sát với thực tế, vai trò quản lý nhà nước mà ở đây là liên bộ Tài chính - Công thương rất quan trọng. Việc giám sát và quản lý sát sao giá từ khâu nhập khẩu, trích hoa hồng đại lý đến tăng, giảm giá sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả DN, Nhà nước và người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.