Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh

Hà Phong - Quang Thương| 27/04/2023 12:43

(HNMO) - Ngày 27-4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam", nhằm đánh giá những đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như thảo luận những giải pháp, bước đi trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa quá trình thực hiện mục tiêu này.

Các khách mời tham dự tọa đàm.

Các khách mời có chung quan điểm, trước những yêu cầu phát triển mới, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, trong đó, đóng góp của các doanh nghiệp FDI là vô cùng quan trọng. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược; đồng thời có những hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đưa những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh vào trong các quy hoạch, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

“Đến nay, theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp bao, gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt khá cao, từ 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức thì bây giờ đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, bảo vệ môi trường, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với một nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh thông tin, để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, vào đầu năm 2022, cơ quan này đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. 

Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Đào Thế Anh.

"Trong kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành Nông nghiệp, chúng tôi nhận thức nông nghiệp là ngành trong thời gian qua có nhiều thành tựu về tăng trưởng xuất khẩu nhưng cũng sử dụng các nguồn tài nguyên về đất và ô nhiễm về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Vì thế, quyết tâm trong 10 năm tới là vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 2,5-3% hằng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân; đồng thời ngành Nông nghiệp cũng đã thực hiện cam kết của mình, hiện nay phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Bộ NN&PTNT  cũng có cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp", ông Đào Thế Anh cho biết.

Là doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu trên thế giới và đi tiên phong trong các hoạt động tạo giá trị chung cũng như phát triển bền vững, ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cũng nhất trí với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Theo ông Chris Hogg, thế giới đã và đang gặp phải những tình huống khẩn cấp về mặt khí hậu. Xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, trong toàn bộ quy trình sản xuất, Tập đoàn Nestlé khuyến khích áp dụng những công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất.

Từ đó thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, trong quá trình tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp cho nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả của họ, nhưng đồng thời vẫn giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.