Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Hà Linh| 23/03/2023 06:18

(HNM) - Mặc dù các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất; lãi suất huy động và cho vay đã hạ so với cuối năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, song, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, do nhiều nguyên nhân, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ dàng…

Ngành Ngân hàng tập trung ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tôn tại Công ty TNHH Ngọc Dần (Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhu cầu vay giảm

Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lãi suất tín dụng cao và tỷ giá USD biến động. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn giảm sút do lạm phát ở mức cao cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đây chính là những nguyên nhân làm hạn chế nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, mặc dù lãi suất tín dụng đã giảm, nhưng tác động với ngành cơ khí, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhiều, vì ngành cơ khí có lợi nhuận không cao, mức đầu tư lớn trong khi thu hồi vốn cần thời gian dài. Do vậy cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp cơ khí, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay để vực dậy ngành này sau giai đoạn nhiều khó khăn vừa qua. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang cầm chừng sản xuất, chứ chưa thực sự dám đầu tư mở rộng về công nghệ, máy móc, chuyển đổi số, hiện đại hóa.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết cho hay, việc tiếp cận vốn vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do nhiều thủ tục liên quan đến tài sản bảo đảm... Để đầu tư cho việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi thời gian kéo dài, trong khi thị trường ảm đạm, mọi lợi nhuận có được trong thời điểm này chỉ đang tạm giúp doanh nghiệp ổn định trở lại, duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng.

Đi tìm giải pháp

Vậy, đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng? Theo Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn vay vốn ngân hàng lại không đủ tiêu chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian khắc phục, bởi đa phần các doanh nghiệp xuất phát từ hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Để tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng phù hợp.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, các doanh nghiệp trong tập đoàn cần tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm 2023, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên cân nhắc các chương trình đầu tư, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, với mục tiêu ưu tiên là bảo đảm việc làm cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách.

Các chuyên gia kinh tế đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ... Việc này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì dòng vốn bảo đảm hoạt động và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế hoặc hoãn thuế và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ còn hạ tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng sẽ tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhưng chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.