(HNM) - Hà Nội là thành phố đang phát triển nhanh, với dân số hơn 7,5 triệu người, quy mô thương mại đứng hàng đầu cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.200 USD/năm.
Cửa hàng bán lẻ tư nhân ngày càng thu hút đông đảo người tiêu dùng.Ảnh: Anh Tuấn |
Doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp tư nhân chiếm lĩnh thị trường
Hiện Hà Nội có 118 siêu thị, 21 trung tâm thương mại, chưa kể hàng trăm chợ lớn nhỏ. Ngoài vai trò đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên địa bàn, tỷ trọng bán buôn, phát luồng hàng hóa đi các tỉnh, thành trong cả nước là rất lớn. Có thời kỳ doanh số bán buôn chiếm 60-70% tổng mức doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội. Tuy nhiên, tốc độ và chất lượng phát triển hệ thống bán lẻ của thương mại nhà nước chưa tương xứng. Việc các doanh nghiệp (DN) nước ngoài "nhảy" vào thị trường bán lẻ trong nước, cùng với sự phát triển bài bản của một số đơn vị tư nhân, như Vingroup, Saigon Coop trên địa bàn thủ đô, khiến sức cạnh tranh ngày càng tăng.
Theo các chuyên gia, DN nước ngoài đã chiếm khoảng 30% thị phần bán lẻ hiện đại Hà Nội và còn tiếp tục mua lại cổ phần của một số DN bán lẻ nội. Số DN nội còn lại đang co cụm hoặc rút bớt địa điểm để củng cố thương hiệu của mình một cách khó khăn. Bởi nếu so sánh về vốn, công nghệ kinh doanh, tính chuyên nghiệp, chuỗi phân phối... thì DN ngoại có thế mạnh hơn DN nội rất nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số thương hiệu DN nội “ghi được điểm” trong lòng người tiêu dùng như Fivimart, Coopmart…
Lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thừa nhận, mạng bán lẻ của DN nội gặp khó khăn và có những điểm sa sút. Từ một đơn vị được giao hàng trăm điểm bán lẻ, kế thừa từ thời bao cấp, trong đó nhiều điểm đắc địa ở trung tâm thành phố, như Bách hóa số 5 Nam Bộ, 96 Phố Huế, Bách hóa Tràng Tiền… nhưng Hapro nhìn chung chưa duy trì được vai trò tiên phong của mình. Nhiều địa điểm đã cho thuê hoặc liên doanh, liên kết. Điển hình của việc sử dụng mặt bằng chưa hiệu quả là Bách hóa số 5 Nam Bộ xây dựng lại 4-5 năm mà chưa hoàn thành.
Nhà nước không nắm cổ phần chi phối
Trong bối cảnh đó, các đơn vị phân phối có nguồn gốc, sử dụng vốn nhà nước đã không còn giữ được vị thế dẫn dắt thị trường và dần lép vế, thu hẹp quy mô. Đơn cử, mạng lưới phân phối của Hapro được thành phố giao là nguồn lực rất lớn, là ước mơ của các nhà đầu tư. Trong khi, Vingroup đang phải tìm từng 50m2 một để mở rộng chuỗi hệ thống Vinmart ở Hà Nội một cách tốn kém và khó khăn. Nhưng thế mạnh về mặt bằng không phải là tất cả, nhất là khi các đối thủ tập trung phát huy được nhiều sở trường, tiềm năng riêng hơn.
Xét về sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ, các DN ngoại, với ưu thế vốn lớn, giỏi công nghệ kinh doanh và cả những "chiêu trò" quảng bá thương hiệu đã nhanh chóng phát triển. Đơn cử, có siêu thị của Hàn Quốc bán khuyến mãi 1 gói mỳ chính 450gr giá chỉ 10.000 đồng, một chai dầu ăn 5 lít bán thấp hơn các siêu thị Việt Nam từ 20.000 - 30.000 đồng. Họ tiếp thị, quảng cáo thoải mái, trong khi các siêu thị Việt Nam bị khống chế trần quảng cáo 15% và không đủ sức “đua đường dài” trong khuyến mãi với các đối thủ dày vốn hơn mình. Đó là thực trạng và nguyên do vì sao Hapro phải tạm cho thuê hoặc liên doanh mở dịch vụ khác đối với một phần mạng lưới của mình, để giải quyết bài toán thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là chưa được đào tạo chuyên nghiệp, từ ngành khác tham gia vào biên chế. Có đến 5-7% nhân lực ở tuổi 45-50, thuộc thế hệ bao cấp nên sự năng động cũng không bằng giới trẻ. Hapro cũng không thành công trong việc phát triển chuỗi bán lẻ ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Thực tế, đơn vị đã đầu tư quá mạnh, thiết lập quy mô khá lớn khi bỏ vốn xây dựng một số siêu thị ở các tỉnh; thậm chí có những tỉnh đầu tư xây dựng 2 siêu thị, trong khi sức mua ở các địa phương thấp. Vì vậy, việc thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất khó khăn. Ngoài ra, kinh tế và chính trị là 2 "mặt trận" mà một DN nhà nước phải thực hiện song song. Điểm qua những lý do chủ quan và khách quan cho thấy, yêu cầu tất yếu phải đẩy nhanh là việc cổ phần hóa các DN thành viên và năm 2017 cổ phần hóa Công ty mẹ Hapro. Điều quan trọng, thương mại bán lẻ không phải là ngành mà Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối. Vì vậy, cần ủng hộ các nhà đầu tư, cổ đông tương lai tham gia từ 51% vốn trở lên, từ đó tạo tâm lý yên tâm đầu tư một cách bài bản và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.