Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn kết, ổn định để phát triển

Mai Hoa| 05/08/2018 08:00

(HNM) - Có nên để vận động viên tỉnh ngoài tập luyện và thi đấu cho thể thao người khuyết tật Thủ đô? Có hay không chuyện ưu ái người này, o ép người khác ở bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội?...

Quang cảnh buổi gặp mặt và đối thoại với vận động viên người khuyết tật Hà Nội. Ảnh: Minh Thu


Buổi đối thoại được tổ chức sáng 26-7, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, nhằm giải quyết chuyện đơn, thư kéo dài ở bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết: "Tính đến ngày 20-7-2018, Trung tâm đã nhận được 9 đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bộ môn thể thao người khuyết tật. Tất cả nội dung có thông tin cụ thể trong các đơn, thư, cả chính danh và mạo danh đều được lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội và Trung tâm mời lực lượng chức năng làm rõ để giải tỏa thắc mắc, giúp vận động viên yên tâm luyện tập".

Trong tổng số 63 tỉnh, thành của cả nước, chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có bộ môn thể thao người khuyết tật. Chính vì vậy, liên quan đến thắc mắc về chuyện vận động viên tỉnh ngoài được tập luyện và thi đấu cho thể thao người khuyết tật Hà Nội, câu trả lời đến ngay từ chia sẻ của vận động viên Ngô Duy Bình (môn điền kinh): "Tôi quê ở Lai Châu. Quê tôi nghèo, không có điều kiện hỗ trợ thể thao người khuyết tật. Đến với thể thao người khuyết tật Thủ đô, tôi được ký hợp đồng đào tạo trực tiếp, rõ ràng, công khai, minh bạch. Thủ đô là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển tài năng, sao nỡ không cho tôi tập luyện và thi đấu cho Hà Nội chỉ vì tôi không sinh ra ở Hà Nội?".

Liên quan đến thắc mắc lãnh đạo bộ môn ưu ái một "nhân viên chấm công" - cho hưởng chế độ dành cho vận động viên tuyến 2, hỏi ra, tất cả mới "à" lên khi biết nhân viên này chính là bà Trần Nguyên Thái - vận động viên người khuyết tật từng phá kỷ lục thế giới nội dung bơi ếch 50m, giành rất nhiều huy chương ở các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu lục.

Bà Trần Nguyên Thái cũng là vận động viên người khuyết tật Hà Nội duy nhất tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) và đã có đơn xin làm huấn luyện viên điền kinh thể thao người khuyết tật. Hồ sơ được gửi từ năm 2016 - rất xứng đáng, nhưng do bộ môn thể thao người khuyết tật chưa có chỉ tiêu nên tạm để vận động viên kỳ cựu này ở tuyến 2, chịu trách nhiệm hỗ trợ tổ chạy.

Một số trường hợp khác liên quan đến chuyện xếp tuyến cho vận động viên của môn cử tạ đều được giải thích thỏa đáng. Một vài trường hợp thắc mắc về việc có tên trong danh sách tham gia Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc vừa qua tại Đà Nẵng, nhưng không được vào sân thi đấu đều được giải đáp rõ ràng.

Những thắc mắc, nghi ngờ được nêu trong 2 lá đơn chính danh lần lượt được giải đáp rõ ràng trước sự chứng kiến của người đứng đơn. Các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật đã thẳng thắn chia sẻ thông tin về tiền công, tiền thưởng, chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao người khuyết tật. Hay chuyện trích quỹ cho các hoạt động ma chay, hiếu hỷ, đề xuất hỗ trợ "đầu ra" cho các vận động viên người khuyết tật sau khi giải nghệ...

Có rất nhiều điều đọng lại sau buổi đối thoại này. Đó là khoảnh khắc xúc động nghẹn lời của những người không may bị khuyết tật về thể chất. Như lời tâm sự của một vận động viên vốn là thương binh - sĩ quan quân đội, rằng "mỗi người mỗi bệnh tật riêng, không thể máy móc bắt vận động viên từ thị xã Sơn Tây hằng ngày về tận Trung tâm Thể thao Khúc Hạo ở phố Lê Hồng Phong tập thay vì cho họ tập ở cơ sở gần nhà với sự hỗ trợ của huấn luyện viên".

Còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm xây dựng bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội đoàn kết, phát triển ổn định. Nhưng, có thể thấy, chính những tràng pháo tay cuối buổi gặp mặt, sự đồng tình của chính người đứng đơn khiếu nại khi được giải thích rõ ràng cho thấy sự cầu thị của nhà quản lý sẽ giúp gỡ những nút thắt tưởng như không thể tháo gỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết, ổn định để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.