Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn kết để thành công

Mạnh Thắng| 01/02/2021 06:34

(HNM) - Đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học lớn, sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn cách mạng, là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta và Đảng ta. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là thành công trong 35 năm đổi mới vừa qua và trong phòng, chống dịch Covid-19 năm 2020 đã khẳng định, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố mang tính quyết định.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng, khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhân tố để lãnh đạo đất nước phát triển. Do vậy, xây dựng đoàn kết trong Đảng trong điều kiện cầm quyền và xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng với vận mệnh quốc gia.

Để đoàn kết luôn là động lực, điểm tựa phát triển, cần thường xuyên chú trọng nhận diện, đấu tranh phòng, chống cả những nguyên nhân bên trong và bên ngoài gây mất đoàn kết.

Ở nguyên nhân bên trong, không ít trường hợp cán bộ có chức quyền nói theo nghị quyết, chủ trương thậm chí là nói theo đạo lý được đánh giá là rất bài bản, nhưng mâu thuẫn với kết quả thực thi nhiệm vụ, dẫn đến đoàn kết nửa vời, xuôi chiều và hình thức. Các biểu hiện như buông lỏng lãnh đạo, quản lý; không chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; không thực hiện tốt quy chế và đặc biệt là lạm quyền, lộng quyền trong các mặt công tác như từng diễn ra ở Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 đã dẫn đến không ít hệ lụy, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Hay bài học từ những trường hợp cán bộ như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) và hàng chục cán bộ cấp tướng bị kỷ luật Đảng hoặc bị pháp luật trừng trị cho thấy nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết thống nhất từ trong nội bộ còn lớn.

Nguyên nhân bên trong vốn đã nguy hiểm nhưng được “thổi lửa” bằng sự kích động, chống phá từ bên ngoài lại càng nguy hiểm. Những sự việc do cán bộ, đảng viên gây ra, đặc biệt là hiện tượng lạm quyền, lộng quyền đã thành “miếng mồi” để các thế lực thù địch, bất mãn ở cả trong và ngoài nước rêu rao, chống phá. Ví dụ, trong những ngày diễn ra Đại hội XIII, tần suất thông tin chống phá trên một số đài, trang tin nước ngoài và mạng xã hội tăng mạnh với nhiều nội dung, nhưng nổi bật là thông tin quy chụp nội bộ Đảng ta chia phe nhóm đấu đá nội bộ (tức là mất đoàn kết); bôi nhọ đời tư của một số đồng chí lãnh đạo, xuyên tạc tình hình đất nước gắn với chỉ đạo điều hành của Đảng... Khi chống phá, các trang web tiếng Việt hoạt động bất hợp pháp trên không gian mạng luôn "dẫn phân tích" của các phần tử đội lốt “chuyên gia”, “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ”, trong đó nhiều đối tượng đã bị pháp luật trừng trị với các tội danh khác nhau. Những thủ đoạn này phần nào tác động, làm chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, khiến không ít người, trong đó có cả đảng viên thiếu thông tin nghi ngờ, dao động.

Để không bị động, bất ngờ và bảo vệ, củng cố, xây dựng đoàn kết trong Đảng vững chắc, công tác định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cần được quan tâm nhiều hơn, tiến hành thường xuyên hơn theo hướng mở. Cần phân tích, chỉ rõ đúng sai, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thấu bản chất, mục đích của các thế lực thù địch bên ngoài và đối tượng “trở cờ” bên trong. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải chủ động cải tiến phương pháp học tập chính trị theo hướng thực chất, gắn liền với đời sống, thực tiễn hoạt động và công tác xây dựng Đảng; tránh cách làm hình thức, đối phó và chạy theo thành tích. Tất cả cùng tạo thành “sợi chỉ đỏ” giúp cán bộ, đảng viên gắn kết, nhìn về một hướng, đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

Đặc biệt, cần kiên trì, bài bản thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua việc kê khai, kiểm soát thu nhập và tài sản của cán bộ, đảng viên có chức quyền. Đối với những cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát; cán bộ lãnh đạo thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào cá nhân chủ nghĩa, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ thì phải kịp thời kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm người có khuyết điểm để củng cố sự tin tưởng, đoàn kết và thống nhất...

Thấm nhuần tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc luôn được xem là nơi tập trung tinh hoa trí tuệ và sự thật là Đại hội XIII của Đảng đã quy tụ được tinh thần, sức mạnh đoàn kết cao nhất. Tại Đại hội, các ý kiến đều nhất trí với dự thảo văn kiện, công tác chuẩn bị nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cho thấy tinh thần đoàn kết trong Đảng đang được phát huy cao độ. Các đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với số phiếu tập trung cao chính là bằng chứng, là câu trả lời xác đáng đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống.

Tổ chức tốt cả xây và chống, xây thông qua nâng cao chất lượng tư tưởng, bản lĩnh, niềm tin; vun đắp mối quan hệ đoàn kết bằng cách chung lo cho dân giàu, nước mạnh sẽ trở thành vũ khí sắc bén, là thành trì để chống lại các thông tin xuyên tạc, góp phần xây dựng Đảng luôn đoàn kết thống nhất, vững mạnh và cũng là cơ sở để đưa công cuộc đổi mới đi đến thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết để thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.