(HNMO) - Ngày 5-11, Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020 (APF 2020) do các tổ chức nhân dân Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết nhân dân Đông Nam Á vì một cộng đồng bao trùm, gắn kết và chủ động thích ứng”.
Tham dự khai mạc APF 2020 có đại diện nhiều bộ, ngành của Việt Nam; các đại sứ quán các nước ASEAN, Liên hợp quốc tại Việt Nam…
Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của hơn 250 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và hơn 500 đại biểu đại diện các tổ chức nhân dân, phi chính phủ ở 10 nước ASEAN tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc APF 2020, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức APF 2020 cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, APF được tổ chức trực tuyến, là minh chứng cho thấy người dân ASEAN đang thích nghi với trạng thái bình thường mới. APF 2020 được tổ chức với mong muốn các tầng lớp nhân dân trong khu vực sẽ cùng nhau đoàn kết để ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng về người dân.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng APF 2020 sẽ có các buổi thảo luận ý nghĩa và đưa ra những đề xuất hợp lý cho các chiến lược của chính phủ để vượt qua khó khăn cũng như định hình chiến lược phát triển trong tương lai.
Trong phát biểu trực tuyến, ông Kung Phoak, Phó Tổng Thư ký ASEAN, phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, cho rằng, để các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN trở nên gắn kết và chủ động thích ứng, các bên liên quan bao gồm cả APF có vai trò vô cùng quan trọng. Các quan điểm mang tính xây dựng được hình thành từ nội dung thảo luận trực tuyến này sẽ rất hữu ích cho việc hiện thực hóa tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Diễn ra từ ngày 5 đến 7-11, tại APF 2020, đại biểu các nước sẽ trao đổi, thảo luận về 11 chủ đề: Hòa bình - an ninh; nhân quyền và tiếp cận công lý; bền vững sinh thái; lao động và nhập cư; chủ nghĩa khu vực thay thế; kinh tế chuyển đổi và đoàn kết; thương mại, đầu tư và quyền lực doanh nghiệp; cuộc sống và phẩm giá; văn hóa và nghệ thuật; đổi mới, công nghệ mới và quyền kỹ thuật số; phân biệt chủng tộc; chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.