Chiều 25-9, ngay sau khi đến tỉnh Quảng Đông, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Đoàn đã tiến hành các hoạt động theo chương trình.
Đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng 25-9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (từ ngày 25-9 đến ngày 29-9).
Tham gia đoàn có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu và Ban Đối ngoại Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; cùng lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, một số sở, ngành...
Ngay sau khi đến tỉnh Quảng Đông, chiều cùng ngày, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội và Đoàn đã tiến hành các hoạt động theo chương trình.
Đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, sinh năm 1895, quê quán tỉnh Nghệ An, là một chiến sĩ yêu nước của Việt Nam đã hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19-6-1924. Khi đó, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã (tiền thân của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội), trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - đã tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khét tiếng khi đang công tác tại Quảng Châu. Vụ ám sát bất thành, Toàn quyền Merlin chỉ bị thương. Bị địch truy nã gắt gao, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện”.
Sau khi chính quyền thực dân ở khu Sa Diện vớt được xác ông, chính quyền thành phố Quảng Châu lúc đó đã đứng ra đề nghị xin chôn cất. Năm 1925, Chính phủ Trung Hoa dân quốc chuyển nơi táng đầu tiên của ông ở chân núi Bạch Vân về khu nghĩa trang Hoàng Hoa Cương ngày nay.
Phần mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái nằm sâu trong khu Công viên Hoàng Hoa Cương. Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông. Mộ phần của Phạm Hồng Thái có đặt dòng chữ “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái” bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.
Thành kính dâng vòng hoa với dòng chữ “Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội kính viếng!”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyện phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ý chí tự lực tự cường, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đóng góp xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.