Ngày cuối năm, nhiều chùa ở Hà Nội tấp nập chị em đến xem sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao, giải hạn trong năm mới. Nhiều gia đình mất cả bạc triệu cho công việc này với mong muốn năm sau tốt lành.
Xem tuổi trong tờ giấy được dán trên cột chùa Phúc Khánh (Đống Đa), thấy mình bị sao La Hầu được tô màu hồng khác với sao khác, Mai vội xem tờ hướng dẫn. Khi biết là sao xấu, cô gái đến từ Hà Đông vội ghi tên tuổi, địa chỉ và nộp 100.000 đồng cho nhà chùa để mong xóa vận hạn. "Năm nay em phải xin việc làm nên sợ gặp rủi ro. Thấy các bà, các chị làm thế em cũng làm theo", Mai nói và thừa nhận không hiểu về tục dâng sao, giải hạn.
Khác với Mai, nhiều chị em mang hẳn danh sách thành viên gia đình đến chùa so tuổi sao chiếu mệnh rồi đồng loại viết danh sách xin giải sao (nếu sao xấu) hoặc dâng sao (nếu sao tốt). Chị Hòa Bình, ở phường Nam Đồng (Đống Đa) cho biết, năm nào chị cũng ra chùa giải sao hoặc cầu an cho cả nhà như một thói quen. Tổng cộng số tiền chị nộp cho nhà chùa để giải sao gần một triệu đồng.
"Có năm tôi suýt ngất vì phải chen lấn giải sao trong đám đông song vẫn cố gắng đi. Ngày khóa lễ phải đi trước xếp hàng từ chiều, như thế mới yên tâm", chị Hòa Bình chia sẻ.
Xem sao chiếu mệnh tại chùa Phúc Khánh.
Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, chùa Phúc Khánh bố trí tới 4 bàn đón tiếp và ghi tên tuổi các thân chủ, thu phí. Đăng ký giải sao tại đây phải nộp phí 100.000 đồng một người. Chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức lễ giải sao La Hầu vào ngày 8 tháng giêng, sao Thái Bạch vào ngày rằm tháng giêng, sao Kế Đô vào ngày 18 tháng giêng.
Nằm ở trung tâm thủ đô, chùa Quán Sứ cũng thu hút khá đông người đến đăng ký giải sao ngày cuối năm. Khác với Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình, không hạn chế số người. Nhà chùa sẽ tổ chức giải sao, cầu an vào ngày mùng 4 và mùng 9 Tết.
Một bạn trẻ tên Vinh cho biết, mẹ cậu ở quê đã đăng ký giải sao cho cả nhà, nhưng cậu vẫn không yên tâm nên tự tìm đến chùa Quán Sứ đăng ký giải sao cho mình. "Năm nay em đứng sao Thái Bạch nên rất sợ. Người ta nói Thái Bạch quét sạch cửa nhà, mình cứ phải đi giải nhiều lần cho chắc", Vinh quả quyết.
Nộp gần một triệu đồng tại chùa Vân Trì (Từ Liêm) để làm lễ cho cả nhà, chị Hà cho biết, năm nào cũng đi giải nếu gặp sao xấu hoặc dâng nếu sao tốt. Theo chị, mỗi người có một sao chiếu mệnh nên không thể yên tâm nếu gặp phải sao xấu chiếu. Còn nếu gặp sao tốt thì phải nghinh để được đón nhận nhiều may mắn.
Tấp nập đăng ký giải sao.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, trong vũ trụ bao la có nhiều vì sao lớn nhỏ, xa gần. Ứng với con người, hàng năm đều có một sao chiếu, có sao hỗ trợ và có sao xung. Tuy nhiên, không thể cúng để giải được sao xấu, ngay cả các nhà chùa cũng không làm được.
"Xu hướng nhiều người đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên. Người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người sẽ cẩn thận hơn năm cũ và có biện pháp phòng ngừa như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói", ông Vũ Đức Huynh nhận xét.
GS Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Văn hóa Á đông, cũng cho rằng, chữ "Tinh" trong văn hóa Á đông không chỉ có nghĩa là sao mà là tinh thần của cuộc sống, tinh túy của trời đất.
"Đạo Phật luôn hòa hợp với dân, tạo tâm linh cho con người, song nhà chùa cúng bái không phải để giải hạn cho dân. Nếu người dân tin tưởng rằng giải sao là giải hạn được thì là mê tín dị đoan", ông Hoàng Tuấn bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.