(HNM) - Không sinh ra ở Thủ đô nhưng đô vật Vũ Thị Hằng thành danh nhờ các HLV giỏi và sự đầu tư chuyên nghiệp của Hà Nội. Cô gái trẻ sinh năm 1992 ở Bắc Giang đang vào giai đoạn nâng cao cường độ tập để ép cân (từ 53kg xuống đủ để thi đấu ở hạng 48kg), chuẩn bị cho Olympic Rio 2016.
Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, Vũ Thị Hằng quyết tâm khổ luyện thành tài để đỡ đần bố mẹ nuôi em gái học đại học. Không mau mồm mau miệng, Vũ Thị Hằng ngoài sàn đấu là một cô gái dịu dàng, đầy nữ tính, khác hẳn hình ảnh một đô vật "sừng sỏ" từng hạ gục những vận động viên (VĐV) thuộc diện hàng đầu châu lục để giành suất chính thức dự Olympic. Chia sẻ cùng phóng viên Báo Hànộimới, Vũ Thị Hằng cho biết: “Chấn thương với môn đối kháng như vật là chuyện quanh năm, VĐV chúng em phải tự tìm cách khắc phục thôi. Em vẫn bị đau lưng và cổ chân, nhưng không dùng thuốc giảm đau mà chủ yếu theo phục hồi trị liệu. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là Olympic khai cuộc, em đang tăng cường độ luyện tập để ép cân”.
Nói về chế độ ăn tập kết hợp dinh dưỡng nhằm giảm cân đúng quy định, Hằng kể: “Mỗi ngày em tập 1,5 - 2 tiếng đồng hồ/buổi, chưa kể ca sáng sớm chỉ coi như tập thể dục. Cường độ tập phải nhanh, mạnh hơn, rút ngắn thời gian hoàn thành bài tập. Em không có chuyên gia thể lực hỗ trợ mà chủ yếu tập theo giáo án của HLV. Để giảm cân nhưng vẫn bảo đảm thể lực, chúng em ngày vẫn ăn 3 bữa, nhưng ăn ít cơm, nhiều thịt nạc, hạn chế uống nước nhưng có thể ăn nhiều hoa quả”. Thừa nhận “lần đầu được thi đấu ở Olympic nên em cũng chịu sức ép tâm lý nhiều lắm” nhưng đô vật trẻ vẫn tự tin: “Đó là lúc chưa vào đấu, chứ một khi đã lên thảm, bắt tay đối thủ xong là “chiến” thôi chị ạ”.
Tám năm khổ luyện bộ môn rất vất vả với phái nữ như môn vật, khó có thể kể hết những nhọc nhằn mà cô gái trẻ phải trải qua khi xuống “lò” đào tạo của Hà Nội để rèn luyện. “Có nhiều thầy đã huấn luyện em, nhưng người có tác động trực tiếp, nhìn nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của em chính là thầy Trần Văn Sơn của Hà Nội. Hiện tại, em đang được chuyên gia người Nga huấn luyện, thầy nói tiếng Việt tốt nên cũng không mấy khó khăn khi trao đổi” - Hằng chia sẻ.
Vũ Thị Hằng là chị cả trong gia đình thuần nông “chẳng ai theo nghiệp thể thao” ở Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang, nên gánh trách nhiệm không hề nhỏ. Không muốn nói nhiều về thành tích cá nhân, cô gái trẻ nhỏ nhẹ kể: “Theo thể thao đỉnh cao, chẳng mấy khi em được về nhà. Quanh năm ăn - tập - thi đấu, em chỉ biết nhủ mình phải cố gắng để thi thoảng góp thêm cho mẹ đôi chút chăm em trai đang học lớp 7 ở nhà và bây giờ thì thêm trách nhiệm nuôi em gái đang học đại học năm thứ 3 ĐH Kinh tế quốc dân”.
Nghiệp VĐV “ráo mồ hôi là hết tiền” nên quanh năm chỉ trông chờ vào các khoản thưởng cho những tấm huy chương. Môn vật thường bị gạt khỏi chương trình thi đấu ở “ao làng” SEA Games nên các đô vật phải nỗ lực rất nhiều để chinh phục đấu trường châu lục, thế giới. Nói về dự định của mình, Vũ Thị Hằng cho biết: Em sẽ tập trung cho mục tiêu “thắng trận nào quý trận đó” ở Thế vận hội. Sau Olympic, em cố gắng hoàn thành nốt việc học tại Đại học TDTT.
Còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, bao gồm cả nỗi trăn trở về tương lai của bản thân và trách nhiệm với gia đình, nhưng tôi tin Vũ Thị Hằng có thể vững bước, bởi giá trị lớn nhất của thể thao đỉnh cao không chỉ là thành tích, mà là ý chí, nghị lực được tôi luyện qua quá trình khổ luyện không ngừng nghỉ. Những con người đã qua "lò luyện ý chí" ấy có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.