Ca khúc “Nón bài thơ” đằm thắm, trữ tình, tha thiết và dịu dàng chợt xuất hiện trở lại trong chương trình “Ký ức thời gian” của Đài truyền hình VN (VTV3) vào hạ tuần tháng 10-2004 nhân kỷ niệm nửa thế kỷ giải phóng thủ đô làm xúc động không chỉ tác giả Đỗ Trọng Quang mà của cả lớp người Hà Nội đã sống tuổi thanh xuân những năm 50 của thế kỷ trước !
Ca khúc “Nón bài thơ” đằm thắm, trữ tình, tha thiết và dịu dàng chợt xuất hiện trở lại trong chương trình “Ký ức thời gian” của Đài truyền hình VN (VTV3) vào hạ tuần tháng 10-2004 nhân kỷ niệm nửa thế kỷ giải phóng thủ đô làm xúc động không chỉ tác giả Đỗ Trọng Quang mà của cả lớp người Hà Nội đã sống tuổi thanh xuân những năm 50 của thế kỷ trước !
ít ngày sau, từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi đã gặp Đỗ Trọng Quang, tác giả của nhiều ca khúc trữ tình thuở ấy, tại nhà một anh bạn thân của cả hai chúng tôi.
Gặp ông, nhìn dáng người tầm thước, thỉnh thoảng mới buông vài lời nhỏ nhẹ, đôi mắt ưu tư nhìn đâu đó... thật khó có thể hình dung ẩn giấu trong con người ấy chất lãng mạn, với những lời ca như “Em thơ ngây tóc thề bay trong nắng, chiều rơi bao ánh vàng, dịu dàng bên mái trường thiết tha... nhiều chàng trai say đắm mê nhìn nón bài thơ, thấp thoáng hàng mi đen đôi mắt huyền...” hay: “Đêm qua mơ thấy sau ngàn hoa, xao xác đàn chim về...” (Lá thư đầu xuân).
Chất lãng mạn, chất trữ tình phải là máu thịt của ông để bùng phát ra “Nón bài thơ”, “Lá thư đầu xuân”, “Người chiến sĩ trên sa mạc”... những bài hát nằm lòng của thế hệ thanh niên Hà Nội những năm đầu giải phóng thủ đô.
Bây giờ ít người biết đến ông là một nhạc sĩ, nếu không có “Ký ức thời gian” đánh thức trở lại. Ông - người nhạc sĩ đã ngoài thất tuần - hiện diện với cuộc đời hôm nay lại ở trên nhiều lĩnh vực khác.
Anh thanh niên phố Hàng Bạc, Hà Nội năm xưa, vừa bước chân vào giảng đường đại học, mới học năm thứ nhất khoa ngữ văn của trường đại học Tổng hợp đã phải rời xa mái trường đó đi dạy nhạc cho các trường phổ thông ở khu Ba Đình và huyện Thanh Trì để đến tận 10 năm sau mới trở lại học tiếp và tốt nghiệp ra trường. Ông cử nhân văn khoa đó đã “luân phiên” qua nhiều cơ quan: Viện dân tộc học, sử học, thông tin khoa học xã hội rồi chuyển sang trường đại học Sân khấu điện ảnh, tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Viện văn hóa nghệ thuật, nhà xuất bản Thế giới... Ông đã tốt nghiệp khoa lý luận phê bình của trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Gần đây ông đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ về Nhân học văn hóa ở Hoa Kỳ.
Thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, lại là một nhà dân tộc học, Đỗ Trọng Quang là dịch giả của hầu hết các tác phẩm bằng tiếng Pháp của cố giáo sư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên như: “Hát đối của nam nữ thanh niên”, “Hát và múa ải Lao ở hội Phù Đổng”, “Lý Phục Nam: một vị Thành hoàng Việt Nam” v.v...
Ông còn là dịch giả của cuốn “Văn minh Việt Nam” (của M.Durand và P.Huard) và “Các trường phái lịch sử” (trong loạt sách Que-Jais - Je ? (Tôi biết gì ?) cùng nhiều tài liệu khác cho các Viện dân tộc học, Thông tin khoa học xã hội, Bảo tàng dân tộc...
Vượt lên số phận, Đỗ Trọng Quang đã thành danh trên những lĩnh vực mà ông ấp ủ, nhưng với lớp người Hà Nội hôm nay - mà mái đầu đã hai thứ tóc - thì tên ông gắn liền với “Nón bài thơ”, với “Lá thư đầu xuân”... Đỗ Trọng Quang là nhạc sĩ người Hà Nội của Hà Nội bởi những sáng tác của ông đậm đà “chất Hà Nội”: tế nhị, thanh cao, duyên dáng, lãng mạn...
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.