Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dỡ lò, chấm dứt khai thác đất

Tuấn Lương - Ngọc Hà| 15/04/2010 06:48

(HNM) - Trên Báo Hànộimới số ra ngày 8 và 9-4 đã đăng loạt bài "Bán đất làm gạch, tan hoang triền đê tại Mê Linh". Tiếp đó, ngày 11-4, báo tiếp tục đăng ý kiến tiếp thu và phản hồi của lãnh đạo UBND huyện Mê Linh về nội dung bài viết với khẳng định "sẽ cưỡng chế xử lý dứt điểm trước ngày 30-4".

* Tháo dỡ 285 trong tổng số 410 lò gạch
(HNM) - Trên Báo Hànộimới số ra ngày 8 và 9-4 đã đăng loạt bài "Bán đất làm gạch, tan hoang triền đê tại Mê Linh". Tiếp đó, ngày 11-4, báo tiếp tục đăng ý kiến tiếp thu và phản hồi của lãnh đạo UBND huyện Mê Linh về nội dung bài viết với khẳng định "sẽ cưỡng chế xử lý dứt điểm trước ngày 30-4".

Và ngày 14-4, nhóm phóng viên Hànộimới tiếp tục trở lại các xã ven sông Hồng thuộc địa bàn huyện Mê Linh. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận.

Tập trung dỡ lò, bán gạch

Con đường đất dẫn ra khu sa bồi của các xã Hoàng Kim, Thạch Đà, Văn Khê, Tráng Việt… đã không còn cảnh xe ủi, xe xúc chở đất, than củi chạy rầm rập như cách đây một hai tuần. Thay vào đó những xe tải chở gạch thành phẩm ra khỏi bãi. Giải thích việc này, ông Hoàng Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo dẹp bỏ tình trạng khai thác đất bừa bãi, đun đốt gạch thủ công ở khu vực này. Đặc biệt sau khi Báo Hànộimới đưa tin, huyện và các xã đã có nhiều buổi giao ban, nghiêm khắc kiểm điểm nhằm tiếp thu ý kiến phản ánh của nhân dân và cơ quan báo chí. Trong những ngày qua, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động, huyện chỉ đạo các xã phải tập trung xử lý, tháo dỡ lò gạch, chấm dứt khai thác đất. Tính đến nay, đã có 285/410 lò gạch tháo dỡ. Một số lò khác đang trong quá trình tháo dỡ, bán nốt số gạch còn lại. Hiện chỉ còn 125 lò, tập trung chủ yếu ở các xã Tráng Việt, Văn Khê, Thạch Đà và Hoàng Kim. Tại các điểm ra vào xã, lực lượng công an xã có nhiệm vụ ngăn chặn tất cả số xe chở vật liệu vào phục vụ đốt gạch. Chỉ những xe chở gạch ra khỏi địa bàn mới được hoạt động.

Tại các chân lò gạch cũng không còn cảnh người lao động nhộn nhịp làm gạch mộc để đưa vào lò. Theo một số người dân xã Thạch Đà làm việc tại lò, họ chỉ tập trung vào dỡ lò để bán gạch chứ không sản xuất gạch mới.

Lãnh đạo xã chịu trách nhiệm về tiến độ xử lý

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thị Mai thừa nhận, công tác quản lý đất đai, đặc biệt là lĩnh vực khai thác đất bãi làm gạch, ngói trong những năm qua còn yếu kém. Hậu quả là một số lãnh đạo xã, thôn đã bị khởi tố, thậm chí phải đi tù. Nhiều cán bộ xã, thôn khác phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật khác nhau tùy theo mức độ sai phạm. An ninh trật tự tại địa phương mất ổn định, gây khiếu kiện kéo dài. Huyện đã nghiêm túc tự kiểm điểm, phê bình để có giải pháp chấn chỉnh. Huyện ủy Mê Linh đã chỉ đạo: Từ nay đến ngày 25-4 sẽ tập trung tháo dỡ. Sau thời hạn trên, địa phương nào chưa xử lý xong phải tổ chức cưỡng chế, san gạt xong trước ngày 30-4. Phần diện tích sau khi san gạt tổ chức cho nhân dân trồng màu. Với những lò còn hợp đồng nhưng chủ lò không cam kết tháo dỡ thì xã phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và tổ chức cưỡng chế. Xã nào không hoàn thành nhiệm vụ, bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện. Qua kiểm tra, ngoài Thạch Đà, UBND xã Tiến Thịnh đã bắt đầu tổ chức tháo dỡ lò. UBND xã Hoàng Kim cũng đã có văn bản báo cáo sẽ bắt đầu tháo dỡ kể từ ngày 19-4 tới.

Liên quan đến khu đất 9,1ha tại xã Văn Khê do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định cho phép Công ty TNHH Sơn Tùng khai thác vật liệu, bà Trần Thị Mai khẳng định, các cán bộ xã, thôn sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, song khu đất này không nằm trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phục vụ xây dựng khu công viên cây xanh, du dịch sinh thái. Do đó, việc Công ty TNHH Sơn Tùng có văn bản xin được chuyển đổi mục đích sử dụng sang hình thức sản xuất theo công nghệ thân thiện với môi trường là không sai với quyết định của Thủ tướng. Chủ trương này vẫn đang chờ ý kiến của UBND TP Hà Nội và các sở, ngành.

Trong khi các lò gạch ở Mê Linh đang từng bước được xử lý thì chỉ cách xã Thạch Đà một con mương (đã được Sở Nội vụ Hà Nội và các đơn vị chức năng phân định, cắm mốc giới ngoài thực địa) là gần 50 lò gạch thuộc địa phận xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) vẫn đang hoạt động tấp nập. Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Đan Phượng sớm kiểm tra và có biện pháp chấm dứt hoạt động của số lò gạch này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dỡ lò, chấm dứt khai thác đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.