Bạn đọc

Đồ chơi có tính bạo lực: Mua bán dễ như mua rau

Kim Vũ 07/08/2024 - 07:00

Mặc dù bị cấm sản xuất, tàng trữ, mua bán, song nhiều đồ chơi có tính chất bạo lực, mang tính sát thương cao vẫn được bày bán rộng rãi, công khai.

Để tránh những hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, cũng như xử lý việc kinh doanh, buôn bán đồ chơi bạo lực,...

game.jpg
Một cửa hàng kinh doanh đồ chơi có bán súng bắn đạn nhựa tại quận Hoàn Kiếm.

Từ kinh doanh trực tiếp…

Tìm hiểu thực tế tại các cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can, Hàng Cá, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân… (quận Hoàn Kiếm) cho thấy, nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng bắn đạn nhựa, dao, kiếm... với nhiều mẫu mã, màu sắc, thu hút sự lựa chọn của khá nhiều trẻ em. Các sản phẩm như kiếm nhựa dài 50cm có giá 35.000-50.000 đồng/chiếc, súng AK nhựa có giá 80.000-100.000 đồng...

Tại nhiều khu vực công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe đẩy bán hàng di động bày bán các loại dao, kiếm, súng nhựa… với khá nhiều loại. Chúng được treo đầy trên khung, ghi đông xe với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Các loại dao kiếm, súng luôn thu hút sự quan tâm và là lựa chọn hàng đầu của các em nhỏ.

Tại một cửa hàng trên phố Lương Văn Can, khi phóng viên hỏi súng lục bắn đạn nhựa, nhân viên đưa ngay khẩu súng có khoảng 10 viên đạn nhựa, giá 80.000 đồng. Khi thắc mắc về đạn nhựa này nhìn như thật, có vẻ nguy hiểm thì cậu nhân viên thản nhiên nói: “Đã chơi thì phải chấp nhận thôi”.

Kín kẽ hơn, tại một cửa hàng trên phố Hàng Mã, khi phóng viên hỏi tìm mua súng lục cỡ đại bắn đạt nhựa thì chủ quán lắc đầu, song nói nhỏ nếu muốn mua cần phải đặt hàng, 2-3 ngày sau mới có. Giá của loại súng này từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Một số cửa hàng khác thì cho biết, hiện loại súng này đã bị cấm bán trên thị trường nên họ e dè không nhập hàng; tuy nhiên, khách hàng có thể tìm mua dễ dàng trên mạng xã hội.

… đến bán tràn lan trên “chợ mạng”

Từ lâu, giới trẻ vẫn truyền tai nhau địa chỉ mua súng đồ chơi cỡ đại trên website “bulldogteamvn.com”. Tại trang web này, có hàng chục loại súng nhựa cỡ đại được chào bán. Chẳng hạn, súng lục Beretta kim loại cắc bụp bạc nặng 760gram, kim loại lên tới 95%, tốc độ bắn 50m/s, có giá 1,2 triệu đồng. Loại súng này có thể lên đạn từng viên, kèm theo đó là video giới thiệu tính năng chi tiết của súng. Còn súng đạn bánh răng kim loại MP5 SIJun 86-2 có giá 2,1 triệu đồng. Loại súng này có tính sát thương lớn. Theo giới thiệu của người bán, súng có nhiều chi tiết kim loại, đặc biệt là bộ bánh răng, chứa được 100 viên đạn, lực bắn 72m/s, có thể làm vỡ lon bia đầy nước. Đặc biệt, có loại súng lục dùng đạn thạch có giá từ 1,5- 5 triệu đồng/chiếc; kèm theo đó là các loại đạn thạch, đạn nhựa có tốc độ 70-85m/s, giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/gói 10.000 viên.

Anh Trần Minh Tuấn, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết, việc mua bán súng đạn cỡ đại, hay cỡ nhỏ, giá từ 300.000 đến 5 triệu đồng trên các trang mạng chưa bao giờ dễ dàng đến thế.

Tương tự, tại website mohinh trungbay.vn, có tới 269 sản phẩm súng đạn thạch, súng lục đạn thạch, súng đạn sốp, súng sniper và phụ kiện, mô hình, có giá từ 300.000 đến 3 triệu đồng/chiếc, được chào bán. Điều nguy hiểm là số lượng thanh thiếu niên lên các hội nhóm bình luận, giới thiệu tính năng có tính sát thương cao của các loại đồ chơi này khá nhiều.

Theo luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), căn cứ tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm, bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Còn tại Khoản 4, Điều 10 Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với người sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. Luật sư Trần Hoàng Vũ cho biết, các loại đồ chơi như súng nén bằng hơi, lò xo, đạn nhựa, đạn thạch và đồ chơi có hình dáng giống vũ khí như lựu đạn, kiếm, lê, dao găm đều được xếp vào những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, lực lượng đã kiểm tra, xử phạt hành chính 46 vụ kinh doanh, buôn bán đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mức xử phạt là 540 triệu đồng, thu giữ hàng hóa trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Được biết, năm 2023, đơn vị đã kiểm tra đột xuất, thu giữ gần 2.000 sản phẩm là đồ chơi trẻ em không có hóa đơn chứng từ. Trong đó, các sản phẩm này đều nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.

Việc sản xuất, tàng trữ, mua bán đồ chơi bạo lực là hành vi bị cấm, song trên thực tế việc mua bán đồ chơi bạo lực vẫn khá dễ dàng, cả tại cửa hàng trực tiếp, cũng như cửa hàng online. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, cũng như xử lý nghiêm việc kinh doanh, buôn bán đồ chơi bạo lực, mang tính sát thương cao, đặc biệt là kinh doanh trên mạng xã hội, tránh gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồ chơi có tính bạo lực: Mua bán dễ như mua rau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.