(HNMCT) - Văn Bàn là một huyện miền núi phía tây nam, cửa ngõ của tỉnh Lào Cai. Tài nguyên thiên nhiên và nhân văn nơi đây mang vẻ đẹp thuần khiết, hầu như chưa được biết đến như là một địa phương có thế mạnh du lịch. Đó vừa là lợi thế, vừa là hạn chế của Văn Bàn. Nhưng với định hướng, quy hoạch bài bản, Văn Bàn hứa hẹn trở thành một điểm đến chất lượng cao cùng với các địa chỉ hấp dẫn ở các tỉnh miền núi phía Bắc khác.
Tiềm năng “say ngủ”
Văn Bàn sở hữu tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng, trong đó phải kể tới nguồn tài nguyên rừng với diện tích và trữ lượng lớn, có tỷ lệ che phủ đạt 64,8%. Các khu rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cổ thụ cùng hệ sinh thái phong phú ở xã Nậm Tha, Liêm Phú, Nậm Xé hay Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn là “ngôi nhà” của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Cảnh quan thiên nhiên của Văn Bàn cũng hấp dẫn không kém thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), Y Tý (Bát Xát) nhờ hệ thống ruộng bậc thang độc đáo trải rộng trên thung lũng Dền Thàng, Nà Nheo, Dương Quỳ.
Văn Bàn là nơi tập trung sinh sống của 11 dân tộc anh em, chiếm 84,6% dân số của cả huyện, gồm Tày, Mông, Dao, Giáy, Phù Lá, Sán Chay, Xa Phó... Đồng bào các dân tộc thiểu số tại Văn Bàn còn gìn giữ tương đối nguyên vẹn những phong tục tập quán cùng 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc sắc như Lễ hội Lồng tồng, làn điệu dân ca Khắp Nôm của người Tày; Lễ cầu làng Áy lay của người Dao Họ; Lễ cúng rừng của người Giáy; nghi lễ Khoi Kìm của người Dao đỏ... Trên địa bàn huyện còn hiện tồn những địa danh ghi dấu lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc như Khu căn cứ cách mạng Nà Chuồng, Khu di tích lịch sử Pú Gia Lan, địa điểm chiến thắng đồn Khau Co... Ngoài ra, huyện có 1 di tích lịch sử quốc gia là đền Cô Tân An và 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, những năm qua, du lịch Văn Bàn dường như vẫn “say ngủ”, thiếu sức cạnh tranh so với các điểm đến lân cận. Dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, Văn Bàn được định hướng phát triển du lịch bên cạnh các “trụ cột” công nghiệp, nông nghiệp và phát triển đô thị.
Định vị thương hiệu điểm đến khác biệt
Từ thực tế, Văn Bàn nhận thấy cần định hướng phát triển du lịch với các sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tối ưu lợi thế của huyện. Hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng các sản phẩm này là khu vực thị trấn Dần Thàng, hiện đã được quy hoạch trở thành thị trấn du lịch chất lượng cao, là điểm nhấn của du lịch Văn Bàn cũng như tỉnh Lào Cai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Vũ Hồng Phương, mặc dù là địa phương "đi sau" nhưng với lợi thế sẵn có cùng với định hướng quy hoạch bài bản và tầm nhìn dài hạn được thể hiện qua Quy hoạch thị trấn du lịch Dần Thàng và Đề án chiến lược phát triển du lịch huyện Văn Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Văn Bàn sẽ "về trước" so với những địa phương khác.
Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, cảnh quan thiên nhiên bền vững, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (VCTC) Vũ Văn Tuyên cho rằng, Văn Bàn cần dựa trên kinh nghiệm sẵn có của các địa phương lân cận để quản trị rủi ro, giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai và con người gây ra. Bên cạnh đó, cần có những kịch bản cụ thể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú, đào tạo nguồn nhân sự phục vụ du lịch. “Văn Bàn cần phải định vị là điểm đến khác biệt, không đi theo vết xe đổ của Sa Pa khi phát triển du lịch ồ ạt làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan và bản sắc văn hóa” - ông Tuyên nói.
Đề cập đến quan điểm biến giá trị cốt lõi thành giá trị gia tăng thông qua phát triển các dịch vụ thích hợp, theo PGS.TS Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Văn Bàn cần hướng tới “6 nhất” trong các tiêu chí, đó là: Đơn giản, khác biệt, làm cho du khách hài lòng ấn tượng nhất; Khai thác tài nguyên, huy động nguồn lực tốt nhất; Đem lại lợi ích cao nhất cho các bên liên quan; Bảo vệ môi trường sinh thái tốt nhất có thể; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương tốt nhất; Kiến tạo và phát triển các mối quan hệ trong cộng đồng hài hòa nhất.
Chia sẻ quan điểm bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch là định hướng lâu dài của tỉnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT Lào Cai Dương Tuấn Nghĩa cho biết: “Một số đồng bào dân tộc thiểu số như người Tày, Mông xanh, Xa Phó ở Văn Bàn hiện đang lưu giữ giá trị văn hóa khác biệt so với nhiều vùng, tạo nên bản sắc độc đáo riêng có. Đây chính là “tài sản” cần được gìn giữ thông qua Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên, sinh thái và nông nghiệp, Lào Cai cũng chú trọng đến việc bảo tồn các di sản trước nguy cơ mai một, tăng cường sự trao truyền di sản giữa các thế hệ và đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Việc phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm khác biệt sẽ góp phần định vị thương hiệu du lịch Văn Bàn trong tương lai”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.