Du lịch

Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô

Linh Tâm 07/01/2024 - 07:01

Hà Nội - “trái tim” của cả nước, luôn mang trong mình sức hấp dẫn lạ kỳ đối với du khách nhờ nguồn lực nội tại được tạo nên từ bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, thiên nhiên phong phú, con người thân thiện và nền ẩm thực đa dạng. Những nguồn lực ấy đã định hình một Hà Nội - điểm đến hàng đầu châu Á vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa thâm trầm cổ kính vừa sôi động và phát triển... Năm 2023, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước bất chấp những khó khăn do hậu quả của Covid-19 và tình trạng suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

du-lich.jpg
Đoàn khách quốc tế thích thú với trải nghiệm khám phá Hà Nội bằng xe máy.

Sức hấp dẫn từ nguồn lực nội tại

Chẳng phải ngẫu nhiên khi Hà Nội gieo “thương nhớ” vào lòng du khách một cách ấn tượng bao lâu nay. Đến với Hà Nội, du khách có thể trải nghiệm nhiều loại hình du lịch thú vị. Nếu như khách du lịch nội địa thích đến Thủ đô vào mùa thu để đắm mình vào tiết trời dịu mát và khung cảnh thành phố quyến rũ, hay tham gia các chương trình vui chơi giải trí, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE)... thì khách quốc tế lại đến Hà Nội bởi sức hấp dẫn của văn hóa - lịch sử và nền ẩm thực đặc sắc nhất nhì khu vực.

Đó chính là những nguồn lực nội tại tạo nên một Hà Nội cuốn hút, năng động và thân thiện; được khẳng định qua 3 giải thưởng mà Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng trong năm 2023, gồm: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”. Bên cạnh đó, trang web uy tín Tripadvisor cũng bình chọn Hà Nội đứng thứ 17 trong số 25 địa danh nổi tiếng để đi du lịch và đứng thứ 3/20 điểm đến cho người mê ẩm thực...

Những danh hiệu này là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô trong năm 2023. Minh chứng rõ nét nhất là lượng khách đến Hà Nội tăng mạnh ở cả khu vực nội, ngoại thành. Tại khu vực trung tâm, từng đoàn xe khách 45 chỗ nối đuôi nhau “đổ” khách quốc tế xuống Nhà hát Múa rối Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Có thời điểm, khách nước ngoài tham quan, mua sắm trên đường phố nhiều hơn người bản địa. Vào các buổi tối, tại “thiên đường ẩm thực” Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Tống Duy Tân, không còn xa lạ hình ảnh khách “tây” ngồi uống bia hơi vỉa hè, cùng nhau hô: “1, 2, 3... dô” bằng tiếng Việt và “nhiệt tình” thưởng thức phở, bánh mỳ, đồ nướng, chè, cà phê trứng...

Khu vực ngoại thành gần đây cũng có nhiều điểm đến nổi bật như làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), làng nón Chuông (Thanh Oai), làng dệt Phùng Xá (Mỹ Đức), hay show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (Quốc Oai). Đặc biệt, không gian sáng tạo “Đoài Creative” cùng những trải nghiệm ẩm thực truyền thống tại “Bếp làng” ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, những không gian này đã góp phần phát huy giá trị của làng cổ Đường Lâm khi thu hút khoảng 450 nghìn lượt khách trong năm 2023. Không những vậy, sản phẩm Du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - làng cổ Đường Lâm còn là một trong hai đại diện của Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN 2024” tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2024 sẽ diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào cuối tháng 1 này.

Vượt khó để bứt tốc

Sự nỗ lực trong việc đổi mới, xây dựng sản phẩm, trải nghiệm khác biệt dựa trên nền tảng truyền thống và những tiềm năng sẵn có đã giúp ngành du lịch Thủ đô khởi sắc trong năm 2023, được phản ánh qua những con số ấn tượng: Tổng lượng khách đến đạt 24 triệu lượt (tăng 27% so với năm 2022), trong đó khách quốc tế đạt 4 triệu lượt (tăng 266,7% so với năm 2022) và 20 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,3% so với năm 2022). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.

Mặc dù vậy, ngành du lịch Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn do những nguyên nhân khách quan như sự suy thoái kinh tế, tài chính thế giới, các sự kiện chính trị, khủng bố, dịch bệnh... Bên cạnh đó là những khó khăn về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; nhiều cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành chưa phục hồi, chất lượng nguồn nhân lực bị suy giảm do dịch Covid-19 cùng sự phục hồi chậm của các thị trường khách trọng điểm...

Để khắc phục những hạn chế, thách thức trên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của Trung ương và Thành phố với nhiều chương trình, đề án cụ thể. Bên cạnh đó, Sở sẽ hỗ trợ các đơn vị quản lý điểm đến nghiên cứu xây dựng tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm mới gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để phát triển các sản phẩm thế mạnh... Đồng thời, Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh để thu hút du khách, qua đó định vị thương hiệu du lịch Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.