“Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã trở thành lời hiệu triệu đánh thức lòng tự hào của mỗi người Việt Nam, là mệnh lệnh cho toàn hệ thống chính trị vào cuộc để đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Trên phương diện phát triển đô thị, Hà Nội cần phải làm gì để bước lên những tầm cao mới - phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới, như mục tiêu mà hai quy hoạch lớn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành?
Kết nối vùng Thủ đô: Trung tâm của các trung tâm
Từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đến nay, lịch sử đô thị Hà Nội luôn chứng kiến tư duy hiện đại, khác biệt hẳn so với trước. Đó là tầm nhìn của những quy hoạch vùng mà ở đó Thủ đô luôn là không gian đô thị tích hợp các trung tâm: Trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế - giao thương, trung tâm lịch sử, trung tâm văn hóa - khoa học - giáo dục... Vì vậy, thành phố đã liên tục được mở rộng để đáp ứng mục tiêu phát triển của các thời kỳ.
Hà Nội đương đại là sự kế thừa có chọn lọc những giá trị của lịch sử quy hoạch Thủ đô, để đặt ra mục tiêu ở tầm cao mới: Đến năm 2030 là đô thị trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế.
Mục tiêu này có những cơ sở thực tiễn để đạt được, đồng thời cũng là thách thức trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong vòng 5 năm tới. Với Vành đai 4 kết nối Vùng Thủ đô đang dần trở thành hiện thực, không gian kinh tế của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... đã sẵn sàng cho việc liên kết chặt chẽ với nhau, với hạt nhân là vùng đô thị trung tâm của Thủ đô. Tiền đồ của một cấu trúc không gian tiểu vùng trong Vùng Thủ đô sẽ trợ lực và cũng là động lực để tạo nên vị thế phát triển mới mà ở đó vai trò Hà Nội là trung tâm của các trung tâm.
Những thách thức lớn cũng sẽ đặt ra trong việc kiểm soát phát triển ở vùng giáp ranh, cơ chế phối hợp - điều tiết giữa Thủ đô với các tỉnh cũng là một bài toán cần lời giải thỏa đáng. Và đặc biệt những dự án đường sắt mang tầm vóc thế kỷ: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, đặt Hà Nội vào vị trí trung tâm huyết mạch, sẽ là cơ hội để Thủ đô vươn mình... Đó là một trong những cơ sở định vị vai trò mới của Thủ đô. Một thành phố không chỉ kết nối vùng, miền và toàn quốc, mà còn là tiền đề của một thành phố kết nối toàn cầu. Mục tiêu mới và cao đặt ra trong tầm nhìn dài hạn của quy hoạch hôm nay.
Thành phố kết nối toàn cầu - điểm đến mới của thế giới
Thành phố kết nối toàn cầu hình thành trong bối cảnh có sự tái cấu trúc trật tự kinh tế thế giới. Mục tiêu này của Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn khi thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại.
Để trở thành một thành phố toàn cầu, trong tương lai Hà Nội cần có một vai trò là trung tâm trong nền kinh tế khu vực và trên thế giới với các văn phòng và tổ chức hoạt động thương mại, ý tưởng sáng tạo, thậm chí là tiền tệ quốc tế. Hà Nội phải thịnh vượng về kinh tế, là điểm đến của thế giới; với đặc trưng là các sàn giao dịch chứng khoán, trụ sở công ty, các tổ chức quốc tế, sân bay trung tâm, và có sức hút với người nước ngoài. Tương tự như các thành phố toàn cầu khác, Hà Nội cần được kết nối hơn với các thành phố khác trên thế giới bằng thương mại, tài chính, hoạt động văn hóa, tuyến hàng không, không gian số...
Quy hoạch chung Hà Nội đã điều chỉnh bổ sung cảng hàng không thứ hai của vùng Thủ đô ở phía Nam, dự phòng cho sự quá tải cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khi nhu cầu kết nối với thế giới tăng cao, nhất là khi vị thế đất nước ngày một được nâng lên. Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; và Hà Nội có vai trò đầu tàu về kinh tế, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư mà con số thu hút vốn FDI đạt 2,2 tỷ USD của năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất.
Tiềm năng du lịch từ những giá trị văn hóa trải dài nghìn năm lịch sử của Thủ đô đang được sự quan tâm ngày một lớn trên thế giới. Những danh hiệu và con số trong năm 2024 của Hà Nội đã cho thấy điều này. Thủ đô của chúng ta là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024”, và nằm trong nhóm “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024”... Số lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 6,35 triệu lượt trong năm 2024, tăng 34,4% so với năm 2023, chiếm tỉ trọng tương đương mức 36,3% của cả nước. Không gian du lịch của Thủ đô được định hình trong tương lai bằng cấu trúc 4 cụm - 6 hành lang, để những tiềm năng văn hóa, di sản lịch sử và cảnh quan thiên nhiên trở thành một điểm đến vững chắc của thế giới trong kỷ nguyên mới.
Không gian văn hóa, sáng tạo từ những ý tưởng mới
Định vị tầm cao của Thủ đô trong kỷ nguyên mới có quan hệ mật thiết với văn hóa Hà Nội, nhằm xác định phương hướng phát triển và cấu trúc bố cục của thành phố. Điểm nhấn của tầm nhìn đến dịp kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam mới, năm 2045, chính ở việc phát triển xanh và năm trục không gian; mà ở đó bao chứa nội hàm văn hóa với gợi mở cho những ý tưởng sáng tạo. Đó là sông Hồng - không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo - điểm nhấn tiêu biểu của thành phố. Trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài; trục Nam Hà Nội kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc...
Phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ và đầy hiệu quả trong hơn 3 năm qua. Sau 5 năm chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội hiện đang có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực, tạo nên bản sắc riêng có bằng cách lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.
Rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã hình thành từ những ấp ủ qua nhiều năm, giờ đã thành hiện thực. Cần rất nhiều những ý tưởng mới trong đổi mới đô thị, xu thế và quy luật phát triển chung để tạo lập nên những giá trị mới. Việc hồi sinh dòng sông Tô Lịch với nội hàm cảnh quan văn hóa, lịch sử, những sáng kiến đưa tự nhiên vào đô thị thông qua tăng tỉ lệ đất xanh sẽ là nội hàm cơ bản của một thành phố xanh - sinh thái tương lai.
Đây thực sự là thử thách mới và đầy lớn lao trong tương lai. Bởi để đạt được mục tiêu này, Thủ đô cần chuyển hướng phát triển theo chiều sâu với chất lượng phát triển cao và bền vững trên nhiều phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và kinh tế số; lấy văn hóa Hà Nội làm động lực, tạo lập sự hấp dẫn bằng bản sắc riêng, quản trị đô thị thông minh làm công cụ mạnh trong thực thi và đặc biệt cần phát huy các ý tưởng sáng tạo trong đổi mới diện mạo đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.