Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định vị du lịch an toàn tại Việt Nam

Hoàng Lân| 21/05/2020 22:50

(HNMO) - Chiều 21-5 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19".

Các doanh nghiệp du lịch đang đẩy mạnh các gói kích cầu để thu hút người Việt Nam đi du lịch tại Việt Nam.

"Bắt tay" để định vị du lịch nội địa 

Tại hội nghị, ngành Du lịch xác định rõ rằng, từ nay đến cuối năm, du lịch nội địa sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong việc phục hồi thị trường du lịch Việt Nam. Vì thế, việc kích cầu du lịch nội địa thời điểm này rất quan trọng, từ đó tạo cơ sở để hồi phục du lịch quốc tế.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, để thị trường du lịch nội địa tăng trưởng trở lại cần có sự kết nối đồng bộ hơn nữa giữa các địa phương, các hãng hàng không, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí.

"Đây là thời điểm mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thông qua các liên kết kích cầu chất lượng nhưng vẫn linh hoạt", ông Nguyễn Trùng Khánh nêu ý kiến.

Bàn về giải pháp kích cầu du lịch nội địa, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng, trong thời điểm này, các doanh nghiệp thay vì kêu khó, cần phải đoàn kết để cùng vực dậy ngành du lịch, đồng thời tạo xu hướng du lịch mới cho người dân. Theo bà Vân, ngoài phát triển du lịch biển, các đơn vị cần xúc tiến các thị trường du lịch khác như du lịch trải nghiệm tại các thành phố. 

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, muốn kéo thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch cần chọn thị trường trọng điểm thay vì thực hiện kích cầu tràn lan. Ngoài ra, ngành Du lịch cần tính toán số lượng khách nội địa sẽ đạt được trong năm nay, có thể là 35-40 triệu lượt. Các địa phương cần phải có cam kết giảm giá 30-50% dịch vụ với thời hạn lâu dài hơn.

Ngoài những giải pháp cơ bản nêu trên, nhiều ý kiến còn cho rằng, ngành Du lịch cần đề xuất việc bố trí thời gian nghỉ hè hợp lý cho học sinh để khuyến khích các gia đình đi du lịch; thiết lập chặt chẽ hơn nữa các hoạt động liên kết của những doanh nghiệp uy tín...

Định vị điểm đến an toàn để hút khách quốc tế

Các đại biểu tham gia hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19".

Một trong những nội dung quan trọng tại hội nghị, đó là giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19. Hiện nay, ngành Du lịch đang xây dựng kịch bản 4 bước trong quá trình phục hồi thị trường, đó là: Khôi phục du lịch nội địa; lên danh sách lựa chọn thị trường quốc tế tiềm năng; mở cửa thí điểm thị trường quốc tế; mở rộng thị trường quốc tế ngay khi đủ điều kiện. 

Theo ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch công ty đầu tư Lodgis Hospitality Holdings, Việt Nam đang làm tốt công tác phòng, chống dịch. Các đơn vị kinh doanh du lịch vẫn tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, hướng dẫn du khách. "Thế giới cần biết thông điệp này, cần định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn. Việt Nam cần khởi động các chiến dịch marketing càng nhanh càng tốt", ông Craig Douglas nói.

Đồng quan điểm, ông Steve Wolstenholme - Giám đốc vận hành, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Hoiana) cho rằng, Việt Nam chỉ có hơn 300 ca lây nhiễm, không có ca tử vong, thành tích này là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch Việt Nam. Bổ sung ý kiến về việc định vị Việt Nam là điểm đến an toàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc bày tỏ, các đơn vị cần áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng hình ảnh, clip sinh động để mang lại hiệu quả trong khâu quảng bá, tạo sức hút cho du lịch Việt Nam với các nước.

Đóng góp ý kiến cho giải pháp phục hồi du lịch quốc tế, ông Lương Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi cho rằng, ngành Du lịch cần tính toán hướng đến những thị trường an toàn trong phòng, chống dịch để đặt vấn đề hợp tác. Ngoài ra, ông Nam còn đề xuất thêm giải pháp mở visa dài hạn song phương với các quốc gia như: Australia, New Zealand, Nhật Bản... 

Hiện nay, các giải pháp phục hồi thị trường du lịch quốc tế vẫn đang trong lộ trình xây dựng kế hoạch. Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, Bộ sẽ xem xét các ý kiến, xây dựng kế hoạch để báo cáo Chính phủ về thời điểm mở trở lại thị trường quốc tế, cũng như việc lựa chọn quốc gia để đàm phán mở trở lại đường bay. 

"Ngành Du lịch sẽ từng bước khôi phục thị trường, từ du lịch nội địa đến du lịch quốc tế. Điều cần nhất lúc này là sự gắn kết, chia sẻ và những cái "bắt tay" chặt hơn nữa của các đơn vị để cùng định vị tiềm năng của du lịch Việt Nam với khách trong nước và quốc tế", ông Lê Quang Tùng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định vị du lịch an toàn tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.