Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đỉnh Olympia mới

THUHANG| 17/07/2003 08:09

Vượt trên cả mong đợi, Đường lên đỉnh Olympia đã trở thành chương trình có sức sống kỷ lục trên truyền hình. 4 năm phát sóng liên tiếp, chương trình luôn nhận được sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem, đặc biệt ở trận chung kết. Từ rất sớm, cổ động viên của 4 nhà leo núi đã có mặt. Họ là học sinh của các trường chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng, chuyên Ngoại ngữ - Hà Nội, chuyên Lê Hồng Phong - TP HCM và THPT Ba Đình - Thanh Hóa, cùng rất nhiều fan hâm mộ. Bằng sự cổ vũ nồng nhiệt, đầy chất dí dỏm, cổ động viên tại 4 đầu cầu Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP HCM, HN đã tạo nên một không khí cực kỳ sôi động, hâm nóng cả trường quay đã chật kín chỗ ngồi.

Vượt trên cả mong đợi, Đường lên đỉnh Olympia đã trở thành chương trình có sức sống kỷ lục trên truyền hình. 4 năm phát sóng liên tiếp, chương trình luôn nhận được sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem, đặc biệt ở trận chung kết.

Từ rất sớm, cổ động viên của 4 nhà leo núi đã có mặt. Họ là học sinh của các trường chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng, chuyên Ngoại ngữ - Hà Nội, chuyên Lê Hồng Phong - TP HCM và THPT Ba Đình - Thanh Hóa, cùng rất nhiều fan hâm mộ. Bằng sự cổ vũ nồng nhiệt, đầy chất dí dỏm, cổ động viên tại 4 đầu cầu Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP HCM, HN đã tạo nên một không khí cực kỳ sôi động, hâm nóng cả trường quay đã chật kín chỗ ngồi.

4 VĐV là những người đứng đầu các quý, đều đầy mình thành tích học tập.Nguyễn Thanh Quý, 160 điểm, nhất quý 1, là học sinh trường THPT Ba Đình - Thanh Hóa. Quý không dự kỳ thi đại học năm 2003 vì ốm đúng vào thời gian thi học kỳ II năm lớp 12. Bố mẹ em đều làm ruộng. Đường lên đỉnh Olympia, ở vòng thi tháng, 7h tối là đến giờ ghi hình nhưng vì mưa quá to, đường từ nhà trọ đến trường quay ngập sâu, thầy trò tới muộn nửa tiếng.

Trương Quang Huy 100 điểm, nhất quý 2, học lớp chuyên Sinh của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP HCM, 12 năm học sinh giỏi xuất sắc. Em vừa thi vào ĐH Bách khoa TP HCM (khoa Công nghệ vật liệu mới) và Đại học Y TP.HCM ( thi cả khối A và B). Gia đình: bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên. Em hay ghi lại những điều thú vị mỗi khi học bài, đọc sách hay xem tivi. Huy đã ghi hết 4 cuốn sổ, có ý định đánh máy, biên tập lại để tặng những bạn nào muốn thi lên đỉnh Olympia.

Võ Văn Dũng, 160 điểm, nhất quý 3, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn -Đà Nẵng, vừa thi vào ĐH Ngoại thương TP HCM. Bố là sĩ quan quân đội, mẹ là bác sĩ.

Trần Thu Phương, 140 điểm, nhất quý 4, nhỏ tuổi nhất so với 3 đàn anh, học lớp 11 THPT chuyên Ngoại ngữ ĐHQG Hà Nội. Phương học chuyên Toán từ lớp 1 đến lớp 9, lớp 10 học chuyên Anh.Gia đình: Bố dạy tiếng Pháp, mẹ dạy tiếng Nga trường THPT chuyên ngữ ĐHQG Hà Nội. Ở cuộc thi tuần, Phương gặp một câu hỏi tiếng Anh và trả lời được ngay. Anh Minh Vũ bảo: “Là dân chuyên ngữ nên em dễ dàng trả lời câu hỏi này”. Từ lần đó, Phương không trả lời được bất kỳ một câu hỏi tiếng Anh nào nữa.

Trong cuộc thi này, 100 nhà leo núi đã lọt vào chung kết tháng của cả 4 năm cũng về tụ hội. Phần thi Khởi động có sự góp mặt của 2 cựu vô địch Phan Mạnh Tân và Trần Ngọc Minh từ Ô-xtrây-li-a trở về trong vai hai chú kanguru ngộ nghĩnh. Trong khi cả Dũng, Phương, Huy và Quý chưa tìm ra đáp án thì những cựu vận động viên này đã có ngay câu trả lời. Có lẽ tại yếu tố tâm lý.

Trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được truyền hình trực tiếp nên công tác chuẩn bị phải được thực hiện rất tốt. Để tạo điều kiện cho tất cả cổ động viên của các thí sinh tham gia thi, VTV3 đã làm “Cầu truyền hình Olympia” tại Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Nội và TP.HCM. Sau trận chung kết, ngoài cổ động viên của các trường tại 4 đầu cầu, các biên tập viên Thuận Sơn (Đà Nẵng), Thanh Tùng (Thanh Hóa), Thanh Hường (Hà Nội), và Bạch Dương (TP HCM) cũng bị khản giọng vì mải giao lưu, cổ vũ y hệt các fan. Có điều, vì có những cải tiến nho nhỏ như trả lời trên máy vi tính nên trong khâu kỹ thuật còn xử lý hơi chậm, đôi khi tạo ra những phút “chùng”.

Vòng nguyệt quế đã thuộc về Võ Văn Dũng, 120 điểm với một suất học bổng du học nước ngoài trị giá 35.000 USD, đồng giải nhì (trị giá 27 triệu đồng) thuộc về Trương Quang Huy và Trần Thu Phương với số điểm 60. Giải 3 thuộc về Nguyễn Văn Quý với số điểm 40, nhận quà trị giá 25,5 triệu đồng. Trong cuộc thi tới, VTV3 dự kiến sẽ có những cải tiến toàn diện nhằm duy trì tính trí tuệ và tăng cường tối đa tính hấp dẫn. Những phương pháp trắc nghiệm chỉ số thông minh như IQ Test cũng như tính giải trí của chương trình cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn nhằm “học mà chơi - chơi mà học”.

Thùy Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đỉnh Olympia mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.