(HNMO) - Tới với phố Hàng Bạc - con phố nổi tiếng nhờ nghề kim hoàn đã có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, bạn hẳn sẽ không thể bỏ qua một địa điểm tham quan đầy thú vị: Đình Kim Ngân.
|
Lối vào Đình Kim Ngân - số 42 Hàng Bạc. |
Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI do ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương làm quan Thượng thư bộ Lại thời Vua Lê Thánh Tông đã đưa cả làng ra đây làm nghề đúc bạc cho triều đình, xây dựng nên.
|
Đình Kim Ngân hôm nay đã khang trang sạch sẽ, trở thành điểm du lịch văn hoá thú vị cho các du khách. |
Kể từ sau sự kiện này, làng Châu Khê có tới nửa số dân đã lên cư trú tại đây. Họ đã lập ra hai ngôi đình để thờ tổ nghề. Đó là đình Trương (ở số nhà 50) và đình Kim Ngân (ở số nhà 42). Trong đó, Đình Kim Ngân (ngân lượng trắng) thờ Hiên Viên, đồng thời cũng là ông tổ nghề lớn nhất Á Đông. “Tràng” (số nhà 58) là nơi chuyên nấu bạc, đúc thành nén. Còn “Đình” là nơi nhận nguyên liệu và nộp thành phẩm cho “Ty quan” là người thay mặt triều đình. Nghề nấu bạc nay gọi theo danh từ chuyên môn là chuyên bạc. Chuyên bạc và đúc bạc đã trở thành “đặc quyền” của dân làng Châu Khê - Hàng Bạc.
|
Lư hương giữa sân đình. |
Ngày nay, Đình Kim Ngân nằm trên phố Hàng Bạc, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa. Giai đoạn đầu thế kỷ 20 đến nay, Hàng Bạc là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn Hà Nội.
|
Đại đình bên trong Đình Kim Ngân - nơi thờ ông tổ bách nghệ. |
Đình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế, hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công", đại đình ba gian, hậu cung ba gian, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái. Đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.
|
Bia đá trên lối đi vào hậu cung. |
Trước đây, đình Kim Ngân có hàng chục hộ gia đình ở. Ai từng có dịp ghé qua đình vào những năm trước 2009 hẳn vẫn còn nhớ cảnh những căn nhà san sát, cái thò cái thụt... lộn xộn và tạm bợ. Những khoanh nhà nhỏ, chật chội, ánh sáng lờ mờ, nhếch nhác đã khiến không gian Đình Kim Ngân bị thu hẹp hết mức có thể.
|
Từ năm 2004, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các chuyên gia tìm phương án trùng tu, phục hồi nguyên trạng để đạt hiệu quả cao nhất. |
Từ năm 2004, Đình Kim Ngân đã được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành tái tạo và tu bổ. Đây là một quyết định đúng đắn bởi lẽ một ngôi đình cổ kính, hàng trăm năm tuổi gắn với làng nghề của dân tộc như thế cần phải được bảo tồn và trùng tu. Tuy nhiên, thực trạng xuống cấp cùng với sự lấn chiếm của các hộ dân sinh sống tại đây đã khiến công tác tu bổ gặp nhiều khó khăn.
|
Cây cột đình cổ còn được lưu giữ bên trong khuôn viên đình Kim Ngân. |
Năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn tất việc di dời các hộ dân và tôn tạo đình khang trang như ngày nay. Từ đó, Lễ hội nghề kim hoàn mới được tổ chức. Với những giá trị trên, đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 10/2012.
|
Bia công đức trùng tu đình. |
|
Đình Kim Ngân cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra lễ hội ca trù - loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. |
|
Tháng 10/2012, Đình Kim Ngân chính thức được công nhận là Di tích quốc gia. |