(HNM) - Ngày 29-2-2016, tại Trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa), đã diễn ra hội nghị giao ban chia sẻ kinh nghiệm giữa 10 trường THCS đang triển khai dự án
Giờ học của lớp 8B, Trường THCS Khương Thượng với chủ đề tình yêu tuổi học trò. |
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội; bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc Dự án vùng Hà Nội của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam và đại diện ban giám hiệu, giáo viên, học sinh (HS) của 10 trường THCS đang tham gia dự án.
Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xây dựng "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là buổi dự giờ, thảo luận, rút kinh nghiệm về chuyên môn và kỹ năng giảng dạy của giáo viên. Các đại biểu đã dự tiết học "Tình yêu tuổi học trò" do các thầy cô giáo Trường THCS Khương Thượng triển khai tại các lớp.
Tại lớp 8B, giờ dạy của cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý được bắt đầu một cách tự nhiên và gây hứng thú bằng một clip ngắn. Lớp chia làm 4 nhóm, với các tên gọi lần lượt là Bùng cháy, Quyết tâm, Đoàn kết, Tình bạn. Các em HS được khơi gợi, hướng dẫn để trao đổi, thảo luận, tìm hiểu về khái niệm tình yêu tuổi học trò. Đâu là điểm tích cực, đâu là hạn chế của tình yêu tuổi học trò?
Nên ứng xử như thế nào với tình cảm đó?... Mỗi nhóm đều có ý kiến riêng về tình yêu tuổi học trò, trong đó có nhóm đồng tình, có nhóm không đồng tình. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất cho rằng đây là tình cảm đáng trân trọng, có tác động tích cực như giúp các em hoàn thiện bản thân, có ý thức phấn đấu thi đua học tập, biết gần gũi, chia sẻ, hỗ trợ bạn... Tuy nhiên, tình yêu ở tuổi học trò cũng có thể khiến các bạn HS gặp một số vướng mắc như mất tập trung trong học tập, đôi khi không ổn định tâm lý...
Sau khi dẫn dắt, gợi ý để các bạn HS hiểu thế nào là tình yêu tuổi học trò, những thay đổi về tâm - sinh lý, tình cảm, nhận thức, hành vi của HS khi xuất hiện dạng tình cảm này, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý đã dùng khoảng thời gian cuối giờ học để giới thiệu và hướng dẫn HS kỹ năng từ chối "chuyện ấy" trong tình yêu. Các em HS được xem một clip ngắn về việc một HS nữ gặp tình huống khó xử khi bạn trai đòi hỏi "chuyện ấy". Sau khi xem xong clip, hầu hết HS nhận thấy, việc từ chối là vô cùng cần thiết. Các bạn HS đã sôi nổi thảo luận, đề xuất cách xử lý tình huống tế nhị này, ví dụ như đánh trống lảng, tìm cách rời khỏi khu vực chỉ có hai người...
Để có được bài học lôi cuốn, có ý nghĩa giáo dục đối với HS, cô giáo Nguyễn Thị Hải Lý cho biết mình đã tìm hiểu kỹ những HS có biểu hiện tình yêu tuổi học trò để có cách tác động phù hợp, bảo đảm sự tế nhị. Trong quá trình phân tích, thảo luận, cô không chỉ trích bất kỳ cách xử sự nào của HS, mà để cả lớp cùng phân tích, đưa ra cách xử lý tình huống phù hợp nhất. Đó là cách khiến cho những điều tưởng chừng rất khó nói trở nên gần gũi, dễ chia sẻ hơn và qua đó, giáo viên kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời hỗ trợ, định hướng khi cần thiết.
Trường học "an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.