(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển TDTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây thực sự là
Hướng tới một xã hội tập luyện TDTT
"Tạo không gian thuận lợi để toàn xã hội tham gia tập luyện và phát triển TDTT, hướng tới xã hội tập luyện TDTT; xây dựng trung tâm TDTT quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn theo mô hình khuôn viên mở, bố trí đất thuộc các công trình công cộng và lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ thể thao cơ bản đáp ứng hoạt động TDTT quần chúng tại cộng đồng" - Đó là những nội dung quan trọng về phát triển phong trào TDTT được đề cập trong quy hoạch.
Phát triển thể dục - thể thao quần chúng góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Đức Nghiêm |
Hướng tới mục tiêu nói trên, quy hoạch nêu rõ chỉ số về diện tích đất dành cho TDTT. Theo đó, tổng nhu cầu đất quy hoạch cho TDTT năm 2020 là 1.834ha, năm 2030 là 3.900-4.000ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động TDTT đạt chỉ số 2,3-2,5m2/người, đến năm 2030 khoảng 4m2/người. Mỗi quận, thị xã có tối thiểu 3-4ha và mỗi huyện có tối thiểu 6-7ha đất dành cho thiết chế TDTT tập trung, thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Mỗi phường có tối thiểu 0,3-1,0ha, mỗi xã có tối thiểu 1,5-2,0ha đất TDTT. Ưu tiên dành diện tích đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, diện tích đất xen kẹt cho hoạt động TDTT. Cùng với đó, đến năm 2020, tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (gồm SVĐ, nhà thi đấu, bể bơi). Quy hoạch cũng đặt mục tiêu mỗi trường mầm non có phòng tập và sân tập với diện tích khoảng 150-200m2, các trường phổ thông đều có sân tập, nhà giáo dục thể chất. Đến 2030, ngoài 3 công trình nói trên, toàn bộ quận, huyện, thị xã cần có thêm sân tập thể thao từng môn và khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em.
Trong bối cảnh đất dành cho TDTT ngày càng bị thu hẹp do sức ép đô thị hóa, yêu cầu phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống, quy hoạch tạo tiền đề quan trọng để giữ đất dành cho TDTT, để sau này, khi có nguồn lực dồi dào, Hà Nội sẽ có sự đầu tư xứng đáng nhằm mục tiêu phát triển TDTT toàn diện. Quy hoạch thể hiện rất rõ quan điểm của Hà Nội là "phát triển TDTT là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống".
Trong hệ thống chỉ tiêu phát triển, có những con số được đặt ra khá táo bạo. Ví dụ, với tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên, Thủ đô phấn đấu đạt mức 32-33% dân số vào năm 2015, 41- 42% dân số vào năm 2020, đạt 45- 46% dân số vào năm 2030. Về tỷ lệ gia đình thể thao, mục tiêu phấn đấu đạt 24 - 25% tổng số hộ vào năm 2015, 30 - 35% tổng số hộ vào năm 2020, 38-40% tổng số hộ vào năm 2030. Đây là những chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
"Tranh thủ" ASIAD 18 - Hà Nội – 2019
Không phải ngẫu nhiên, cụm từ "tranh thủ thời cơ tổ chức ASIAD 18 - Hà Nội - 2019" được đề cập trong bản Quy hoạch quan trọng này. Với tầm cỡ của một đại hội thể thao lớn nhất châu lục, có sự góp mặt của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, rõ ràng, việc Hà Nội được chọn là thành phố đăng cai chính của ASIAD 18 - 2019 thực sự là một cơ hội, một "cú hích" cho sự phát triển chung của đất nước cũng như của Thủ đô Hà Nội nói riêng. "Tranh thủ" sự kiện lớn này, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp ngày một mạnh mẽ hơn.
Rất nhiều con số ấn tượng được nêu ra: Năm 2015, đạt trên 3.500 VĐV, trong đó có 850 VĐV cấp cao. Con số tương ứng cho năm 2020 lần lượt là 4.500 VĐV (1.100 VĐV cấp cao), 2030 là trên 5.000 VĐV (1.500 VĐV cấp cao). Về thành tích thi đấu quốc tế và quốc gia, Hà Nội phấn đấu có 10 - 12 VĐV giành suất tham dự Olympic 2016, phấn đấu có huy chương; ở các kỳ tiếp theo có 13-15 VĐV tham dự, giành 2 huy chương trở lên, trong đó có HCV. Tại ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, thể thao Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp 35-36% lượng VĐV cho đoàn TTVN và phấn đấu có tối thiểu 5 HCV...
Trong danh mục đề án, dự án ưu tiên đầu tư của TP Hà Nội trong lĩnh vực TDTT, không thể không kể đến Đề án đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cho ASIAD Hà Nội 2019 và Olympic 2016, Olympic 2020; Dự án nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các công trình thể thao trọng điểm phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội - 2019 (do Hà Nội trực tiếp quản lý); Dự án cải tạo, nâng cấp các NTĐ phục vụ tổ chức ASIAD 18 - Hà Nội - 2019 (do quận, huyện, thị xã đầu tư). Một số dự án, trong đó có dự án Làng ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa TDTT.
Tổng nhu cầu đầu tư phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xác định trong quy hoạch ước khoảng 18.200 đến 19.500 tỷ đồng. Trong đó, thành phố sẽ triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động các nguồn vốn, có cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng phân đoạn đầu tư, các hình thức đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn ODA và trợ giúp quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.