(HNM) - Trong bản Di chúc để lại cho hậu thế, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Luận điểm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” của Người cho thấy một tầm nhìn chiến lược, một tư duy vĩ đại, mang tầm vóc thời đại của vị lãnh tụ.
Nhiệm vụ quan trọng của Đảng
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết để căn dặn về công tác đào tạo thế hệ cán bộ trẻ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của Đảng. Người viết: “…Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây cũng là tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có nghĩa là vừa phải có đạo đức cách mạng trong sáng, vừa phải có trình độ chuyên môn giỏi. Đó là lớp người vừa có lý tưởng cách mạng, vừa có phẩm chất chính trị, không ngại khó, ngại khổ phục vụ nhân dân. Đó là những người có học vấn, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Bác yêu cầu, đối với người cán bộ phải có “hồng” và “chuyên”, hay nói cách khác là phải có đức và tài. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một người làm cán bộ cách mạng phải hội tụ đủ hai yếu tố đức và tài. Đây là điều kiện cần và đủ để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đạo đức là gốc, là nền tảng nhân cách của người làm cách mạng, đồng thời Người cũng rất coi trọng tài năng, bởi có đức mà không có tài thì là người vô dụng, nhưng nếu có tài mà không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không giúp ích được nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, Bác luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Bác từng dạy “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, bởi đất nước có thể phát triển văn minh, giàu mạnh hay không chính là nhờ lớp thanh niên vừa có đức, vừa có tài. Bác luôn nhấn mạnh phải quan tâm giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu mới
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng hết lòng phụng sự nhân dân, phục vụ dân tộc...
Trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử, tùy theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, lý tưởng cách mạng của thanh niên cần có sự kế thừa và phát triển cho phù hợp với xu thế của thời đại. Trong giai đoạn hiện nay - thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lý tưởng cách mạng của thanh niên chính là sự khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bằng sự phấn đấu xây dựng một thể chế chính trị ổn định, môi trường an ninh được bảo đảm lành mạnh; xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt là đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…
Để thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong bối cảnh nước ta đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ với bao thời cơ và thách thức đan xen, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ đúng đắn tính khoa học và cách mạng, giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đặc biệt là nhận thức rõ vị trí, vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Các cấp, ngành tiếp tục mở rộng và đổi mới các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống; giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết… cho thanh niên. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần chủ động nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng thanh niên, động viên khuyến khích thanh niên thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, lao động tốt; đồng thời giáo dục cho thanh niên nhận thức rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta… Xuất phát từ yêu cầu này, Đảng và Nhà nước cần xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, cần tập trung đầu tư mọi nguồn lực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu cách mạng...
Nhìn lại sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên”, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Người. Các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, giúp họ không ngừng bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị; nâng cao tri thức, trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ, nhằm hình thành một thế hệ cán bộ kế cận đủ năng lực, bản lĩnh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.