Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hình rõ hai nhóm đối tượng được khen thưởng khi sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng

Tiến Thành| 28/10/2021 12:09

(HNMO) - Sáng 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Cân nhắc tính thực chất của danh hiệu thi đua cấp cơ sở

Thảo luận về dự án luật, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng. Trong đó, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng; nội dung có nhiều đổi mới và tiến bộ, hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động; tháo gỡ được vướng mắc, khắc phục được tính hình thức trong thi đua, khen thưởng thời gian qua.

Đánh giá cao nội dung cải cách thủ tục hành chính công tác khen thưởng được quy định trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) kiến nghị tiếp tục rà soát cải tiến hồ sơ thủ tục; mở rộng thêm các trường hợp được xét khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

“Đề nghị bổ sung hình thức thi đua đã rõ thành tích, công trạng thì tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức khen thưởng, không nhất thiết mọi việc phải thông qua Hội đồng Thi đua - Khen thưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Nhấn mạnh vấn đề khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho rằng dự thảo luật cần quy định việc khen thưởng cần thực hiện trên cơ sở công trạng của cá nhân, tập thể thực sự đạt được. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng mỗi thành tích chỉ được một lần khen thưởng, không khen thưởng hai lần cho một thành tích...

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) và một số đại biểu cũng cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã quy định thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao, dẫn đến việc khen thưởng lần sau cũng phải cao hơn lần trước. Do đó, xảy ra tình trạng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ, cấp Nhà nước và chỉ tập trung khen thưởng vào cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bên cạnh việc đề nghị làm rõ cơ sở nội hàm, phạm vi tính chất của các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu”, các đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo luật quy định để đạt được danh hiệu “Xã tiêu biểu” thì một trong ba tiêu chí là phải đạt chuẩn nông thôn mới.

“Các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đạt được tiêu chí này rất khó khăn khi để đạt chuẩn nông thôn mới thì cần có nguồn lực lớn từ nhân dân và ngân sách nhà nước. Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này để phù hợp với từng vùng, miền để thúc đẩy phong trào thi đua tại các vùng khó khăn”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, các hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố đều hướng về xây dựng cuộc sống văn hóa; mặt khác 4 tiêu chuẩn quy định danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu” tại dự thảo luật đều là tiêu chuẩn dẫn đầu. “Tiêu chuẩn dẫn đầu thì chỉ có một vài thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố dẫn đầu, trong khi xây dựng các cộng đồng dân cư cần tập trung vào văn hóa, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Do đó, tôi đề nghị giữ nguyên danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, đại biểu nói.

Các đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn trong thực hiện các sáng kiến, đề tài khoa học, trong đó chưa có quy định cụ thể xác định hiệu quả, phạm vi áp dụng thực tiễn để tặng danh hiệu thi đua.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Đề xuất giữ nguyên danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ

Về nội dung dự thảo luật lần này đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ đối tượng là nhạc sĩ.

Theo đại biểu, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo… “Nếu các nhạc sĩ bảo đảm được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, đại biểu nói.

Về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) nêu quan điểm, sáng tác và biểu diễn là hai yếu tố không thể tách rời trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. “Trong một số trường hợp, nhạc sĩ là thầy của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ cũng băn khoăn khi các bậc thầy của mình không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, đại biểu nói.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về nguyên tắc sửa đổi luật lần này đưa ra 6 loại hình khen thưởng, gồm: Phong trào thi đua, công trạng, đột xuất, thành tích cống hiến, niên hạn và đối ngoại. “Các loại hình khen thưởng này đã định hình rõ hai nhóm đối tượng khen thưởng là khen thưởng trong phong trào thi đua và thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Đối với các danh hiệu thi đua “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” được xây dựng để tích hợp, đồng bộ các phong trào thi đua từ thực tiễn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục cụ thể hóa về tiêu chuẩn, quan tâm đến các địa bàn khó khăn nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua sẽ tiếp tục được xem xét lại cho phù hợp hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên thảo luận đã thu hút 33 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và tranh luận với những ý kiến sâu sắc, mang tính xây dựng cao.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp thuộc về quy định của luật, văn bản dưới luật hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho đúng, trúng và toàn diện. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kết luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định hình rõ hai nhóm đối tượng được khen thưởng khi sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.