Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình Đông thờ Lý Đạo Thành

THUHANG| 11/11/2003 09:02

Lý Đạo Thành vốn là người xã Đông Ngàn, huyện Tiên Du (nay là xã Đông Hội, Đông Anh). “Ông là tôn thất nhà Lý, làm quan dưới triều Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, trải làm Thái phó, Bình chương Quân quốc trọng sự, hết lòng làm việc chính sự trong triều, mưu kế ngoài biên, lập nhiều chính tích là danh thần một đời” (Đại Nam nhất thống chí).

Tuyến phố mang tên Lý Đạo Thành tại quận Hoàn Kiếm

Lý Đạo Thành vốn là người xã Đông Ngàn, huyện Tiên Du (nay là xã Đông Hội, Đông Anh). “Ông là tôn thất nhà Lý, làm quan dưới triều Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, trải làm Thái phó, Bình chương Quân quốc trọng sự, hết lòng làm việc chính sự trong triều, mưu kế ngoài biên, lập nhiều chính tích là danh thần một đời” (Đại Nam nhất thống chí).

ở Hà Nội, từ năm 1964 đã có phố mang tên Lý Đạo Thành. Phố dài 140m, nối phố Tông Đản với phố Lý Thái Tổ. Gần đây, nhân một lần trò chuyện với nhà văn Vũ Sắc, chúng tôi vui mừng được biết ở thôn Đông (làng Hoàng Mai) có ngôi đình thờ tướng quân Lý Đạo Thành.

Theo các sư Đàm Hảo, Đàm Kim trụ trì chùa Nga My, vào thời vua Lý Thánh Tông, chùa Phật được dựng nhiều nơi. Bấy giờ có công chúa Huyền Trang, con út vua Lý Thánh Tông có ý muốn ra ngoại vi Thăng Long để dựng chùa tu thân, tĩnh trí. Chiều ý con, vua cử Lý Đạo Thành dẫn công chúa ra phía Nam tìm đất. Đến vùng Cổ Mai (sau gọi là Hoàng Mai), thấy thế đất đẹp, Lý Đạo Thành bèn cho xây dựng chùa trên đụn Thiên Nga, tam quan dựng trên gò Phượng Chủy. Chùa dựng xong được đặt tên là Nga My thiền tự.

Chuyện kể rằng, vào lúc rảnh việc công, Lý Đạo Thành đến chùa chỉ dẫn công chúa học chữ, đọc viết kinh kệ. Lão tướng còn chỉ bảo nhân dân ở trang Cổ Mai khai phá đất hoang, cấy lúa trồng ngô khoai. Từ gạo nếp, ông hướng dẫn họ nấu thứ rượu cúc ngon có tiếng, sau trở thành nghề chính của dân làng. Nhờ nghề nấu rượu, hàng trăm người không còn phải sớm tối cày thuê, gánh mướn.

Tháng 10 năm Tân Dậu (1081) Lý Đạo Thành mất, nhân dân Cổ Mai vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ ông ngay bên chùa Nga My. Dân làng tôn Lý Đạo Thành là thành hoàng.

Hơn 3 thế kỷ sau, vào cuối triều Trần, đình được chuyển về thôn Đông. Hai giáp Đông Thịnh và Trung Nội dựng một ngôi đình bằng tranh, tre thờ Lý Đạo Thành. Năm Khải Định thứ tư (1921) vua phong sắc “Uy linh thần vũ”. Đến năm Bảo Đại thứ ba (1928) dân 2 giáp lại quyên góp làm đình bằng tường xây, mái ngói.

Đình làm kiểu chữ nhị. Tiền tế ba gian, hậu cung ba gian được nối với nhau bằng một nhà cầu, hai bên có giải vũ. Đầu năm 1947, thôn Đông nằm trong vùng chiến sự ác liệt, ngai, bài vị cùng một số đồ tế khí ở đình được đem gửi ở đình Xã. Rồi đình Đông bị quên lãng. Nhưng một số người già vẫn nhớ ngôi đình của thôn Đông thường gọi là đình Ông.

May sao, vào năm 1998, trong dịp trùng tu chùa Nga My, người có công đầu khởi dựng ngôi chùa làng đã được dân nhớ tới. Người góp của, người góp công, đình Đông được tôn tạo theo đúng dáng xưa. Người hảo tâm công đức vào đình những hương án, ngai, câu đối, hoành phi… Điều đáng quí là những người “hưng công” đã biết gìn giữ những dấu tích còn sót lại.

Đình thôn Đông làng Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng) - nơi duy nhất ở Hà Nội thờ Lý Đạo Thành - giờ đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn. Đêm đêm, ở sân rộng trước đình trẻ em tụ tập vui chơi; tòa tiền tế là nơi hội họp của những người cao tuổi. Và mỗi tháng một lần, đình cũng là nơi họp bàn việc dân việc nước của chi bộ Đảng cụm 4.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Đông thờ Lý Đạo Thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.