(HNMCT) - Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc đặc sắc, một di tích lịch sử đặc biệt và là biểu tượng của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đây còn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.
Từ dinh Norodom tới dinh Độc Lập
Khởi nguyên, tại vị trí dinh Độc Lập bây giờ là một dinh thự của Thống đốc Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp, có tên là dinh Norodom - được xây dựng từ năm 1868 theo lối kiến trúc cổ điển phương Tây, hoàn thành vào năm 1871.
Năm 1954, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève và rút quân khỏi Việt Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17. Ngày 7-9-1954, dinh Norodom được đại diện chính phủ Pháp bàn giao cho đại diện chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 8-9-1954, Ngô Đình Diệm đổi tên dinh Norodom thành dinh Độc Lập. Từ đó, dinh Độc Lập trở thành nơi ở và làm việc của gia đình Ngô Đình Diệm cùng nội các.
Năm 1962, dinh Độc Lập bị phá hủy trong cuộc không kích của phe đảo chính nhằm lật đổ chính quyền miền Nam. Sau đó, một dinh Độc Lập mới được dựng trên nền đất cũ rộng khoảng 12ha ở trung tâm Sài Gòn. Dinh Độc Lập mới được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã - một giải thưởng kiến trúc danh giá ở châu Âu. Trong đồ án thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây với những giá trị truyền thống Á Đông.
Dinh Độc Lập mới được khởi công ngày 1-7-1962, tuy nhiên, ngày 2-11-1963 Ngô Đình Diệm bị ám sát. Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ. Công trình vẫn được thi công và khánh thành ngày 31-10-1966, gắn liền với những sự kiện liên quan tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Dinh Độc Lập có chiều cao 26m, diện tích sử dụng khoảng 20.000m2 gồm: Tầng hầm, tầng trệt, 3 tầng chính, 2 gác lửng và 1 sân thượng với khoảng 100 phòng được trang trí nội thất khác nhau. Công trình có các phân khu: Khu làm việc của tổng thống và chính quyền, khu ở của gia đình tổng thống, khu vực phụ trợ cùng hệ thống hầm trú ẩn có thể chịu được trọng pháo và bom hạng nặng.
Công trình ứng dụng nhiều loại vật liệu, công nghệ hiện đại thời bấy giờ như: Thang máy, kính cường lực khổ lớn và các hệ thống thông gió, điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc tối tân. Về mặt kiến trúc, công trình được đánh giá là tác phẩm xuất sắc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ với giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Đặc biệt, mặt tiền dinh được trang trí bằng những lam bê tông hình đốt trúc mang âm hưởng dân tộc, tạo nên nét độc đáo.
Biểu tượng của hòa hợp, thống nhất đất nước
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra như vũ bão, thần tốc. Quân đội Sài Gòn liên tiếp thất thủ, quân giải phóng dần chiếm lĩnh mọi mặt trận chiến lược. Và tới ngày 30-4-1975, mọi cánh quân đều đổ về Sài Gòn, trong đó dinh Độc Lập là mục tiêu quan trọng nhất. Lúc 10h45 ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân giải phóng đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, tiến thẳng vào dinh. Vào hồi 11h30 cùng ngày, lá cờ ba sọc của ngụy quyền Sài Gòn trên nóc dinh bị hạ xuống, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên. Tại phòng khánh tiết của dinh Độc Lập, tổng thống Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Tháng 11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã diễn ra tại dinh Độc Lập, là tiền đề để nhân dân bầu Quốc hội chung của cả nước vào tháng 4-1976 và sự ra đời nhà nước thống nhất mang tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày nay, Hội trường Thống Nhất, là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng, nơi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia khi tới thành phố Hồ Chí Minh và là điểm tham quan thu hút du khách. Năm 2009, dinh Độc Lập là một trong 10 Di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam được công nhận. Theo cán bộ Ban quản lý Hội trường Thống Nhất, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan công trình này. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dinh Độc Lập đang tạm thời dừng đón khách.
Trải qua thăng trầm lịch sử, dinh Độc Lập không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước mà còn là một bảo tàng kiến trúc tiêu biểu, niềm tự hào về kiến trúc - xây dựng của người Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.