Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đình công, nhìn từ phía người lao động

Lâm Vũ| 17/03/2012 06:57

(HNM) - Theo thống kê, năm 2011 số vụ đình công xảy ra nhiều gấp đôi so với năm 2010. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đình công, nhưng người lao động nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nhận thức chưa đúng về đình công

Được thực hiện trong hai năm (2010-2011), các chuyên gia thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Tranh chấp lao động và đình công trong các công ty liên doanh và công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay", do TS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học Việt Nam làm chủ nhiệm đã khảo sát 1.954 công nhân ở 69 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tranh chấp lao động và đình công là do thu nhập của người công nhân quá thấp, không đủ để trang trải cho đời sống.

Công nhân Công ty dệt may Phong Phú (KCN Khánh Hòa) đình công những ngày cuối năm 2011. Ảnh: Vũ Vân Anh


Về mặt luật pháp, trong trường hợp có bất đồng về quyền lợi, người lao động phải thông qua tổ chức Công đoàn để trao đổi, đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm giải quyết yêu cầu của mình. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, 52,4% số người lao động được hỏi cho rằng, do nhận thức chưa đúng đắn về tranh chấp lao động và đình công nên họ đã sử dụng đình công như là giải pháp chủ yếu để giải quyết vấn đề tiền lương.

Theo TS Vũ Dũng, thực trạng này xuất phát từ trình độ học vấn của người lao động khá thấp. Kết quả điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện có 3,3% trong tổng số công nhân chưa biết chữ, 7,7% chưa tốt nghiệp tiểu học và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đa số ở độ tuổi thanh niên. Khi trình độ học vấn hạn chế, người lao động dễ tham gia hoặc bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp lao động và đình công mà không biết hành động của mình có hợp pháp hay không.

Cũng theo kết quả điều tra, có 30,2% số công nhân được hỏi cho rằng, họ tham gia đình công vì bị kích động, lôi kéo bởi một số cá nhân trong doanh nghiệp dù chưa ý thức được đầy đủ về vấn đề này. Điều đó một phần do đặc điểm tâm lý của người Việt, lối nghĩ sự liên kết của cộng đồng là yếu tố bảo đảm thắng lợi trong giải quyết vấn đề tranh chấp. Cơ chế lây lan tâm lý, a dua có tác động lớn đến người lao động.

Văn hóa nghề thấp

TS Vũ Dũng phân tích, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nói chung xuất thân từ các gia đình nông dân, lao động công nghiệp là công việc mới mẻ đối với họ. Trên thực tế, đa số chưa được đào tạo nghề mới từ trước, chỉ khi vào làm việc mới được học nghề, theo phương thức đào tạo trực tiếp tại chỗ, khiến người lao động thiếu những yếu tố cơ bản để hình thành văn hóa nghề, bao gồm cả ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nghề, sự hiểu biết về các chuẩn mực nghề một cách đầy đủ.

Nhiều lao động đã mang văn hóa nghề của người nông dân vào trong phân xưởng, nhà máy, tất yếu dẫn đến tác phong làm việc thiếu tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nhiều người tự ý nghỉ ngơi trong khi làm việc, đi làm muộn, nghỉ việc tự do… làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Điều này làm cho chủ doanh nghiệp, những người quản lý các cấp không hài lòng, họ phạt tiền hay thậm chí có những hình thức kỷ luật phản văn hóa như đánh đập, bắt công nhân phơi nắng hay chạy lên xuống cầu thang nhiều lần làm họ ngất xỉu…

Các cuộc đình công gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, bởi vậy, mục tiêu chung là phải tìm cách giảm thiểu số vụ tranh chấp. Để làm được điều này, cần nhiều biện pháp như hoàn thiện quy định về tổ chức công đoàn cơ sở, tăng cường hoạt động của tổ chức này; thúc đẩy hoạt động đối thoại trong doanh nghiệp giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động; nâng cao nhận thức về văn hóa nghề, tính kỷ luật cho công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến đình công từ phía người lao động, phía sử dụng lao động cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, đặc biệt là bảo đảm an sinh cho người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đình công, nhìn từ phía người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.