Trước khi bản Co Cài (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) có trạm y tế, chị Lò Thị Xiềm 17 tuổi chỉ đưa con đi khám bác sĩ một lần. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là con của Xiềm ít ốm.
Ở một bản nghèo và lạc hậu thuộc diện nhất Việt Nam như Co Cài, các dịch vụ y tế công cộng gần như vắng bóng. Chưa nói đến trạm xá, bản nghèo này còn chưa có điện và đường đến gặp bác sĩ phải mất tới cả nửa ngày đi xe máy. Gặp hôm trời mưa thì dân bản có bệnh nặng cũng phải ở nhà vì không thể đi được khỏi bản do đường sạt lở, lầy lội.
Niềm vui của Lò Thị Xiềm khi từ nay có thể đưa con đi khám ở trạm xá gần nhà. |
Những năm trước, có hộ dân phải khiêng người ốm từ bản Co Cài đến bệnh viên ngoài huyện, khi đến nơi, cả hai người đưa cũng đổ bệnh. Ông Hà Văn Pằn, Bí thư chi bộ của bản cho biết: “Người dân ở đây ít đi khám bệnh vì đường xa và quá xấu. Nếu trời mưa mà cố đưa người bệnh đi thì còn nguy hiểm đến tính mạng hơn là ở nhà”.
Với Lò Thị Xiềm, lấy chồng từ sớm và sinh con cũng chưa có kinh nghiệm, ốm đau không ít nhưng người phụ nữ trẻ chủ yếu tự chữa ở nhà. Xiềm đưa con đi khám bác sĩ có một lần vì hôm đó bé sốt cao trên 40 độ. “Còn bình thường thì tự chữa ở nhà thôi”, Xiềm chia sẻ.
Cũng vì thế, hôm khai trương trạm y tế của riêng bản Co Cài do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trao tặng, Xiềm đến từ rất sớm. Bế trên tay cô con gái nhỏ, bà mẹ trẻ hơi ngại ngùng khi được hỏi về chuyện lấy chồng và chữa bệnh cho con.
Trong khi đó, bà Lò Thị Thịnh (58 tuổi) cho biết: “Dân bản vui lắm vì giờ không phải đi quá xa nữa, ngay trong bản đã có bác sĩ rồi. Trước đi xa thế thì có khi bệnh chữa không được mà chết luôn trên đường đi”. Người phụ nữ có 4 con (2 trai, 2 gái) này nói thêm: “Trước đây, biết là tự chữa bệnh ở nhà là không tốt nhưng cũng chưa biết làm sao”.
Hôm khai trương trạm y tế bản Co Cài, bà Hà Thị Thuận (51 tuổi) cũng đến rất sớm để xem công trình mơ ước của người dân nơi đây. Bà Thuận nói với chúng tôi: “Trước chỉ khi bệnh nặng quá mới đi bác sĩ thôi, còn lại chữa ở nhà. Chứ đi ra ngoài đó mà đường xá như thế này mà trời mưa thì có khi bệnh còn nặng thêm mà người đưa cũng phát ốm. Giờ có trạm y tế, dân bản ai cũng mừng”.
Trạm y tế Co Cài trị giá 3,7 tỷ đồng do Viettel xây dựng, đã bàn giao cho xã Trung Lý II – một xã thuộc diện nghèo nhất nước. Đây là công trình được xây kiên cố với 2 tầng, đầy đủ các phòng chức năng quan trọng để khám chữa bệnh tuyến đầu. Các phòng gồm: Siêu âm, X-quang, Tráng rửa phim, Sản, Dược. Trạm xá có 12 phòng bệnh với 24 giường, và các công trình phụ trợ liên quan. Tổng diện tích xây dựng hơn 300 mét vuông.
Công trình này là một trong những hạng mục quan trọng do Viettel hỗ trợ huyện Mường Lát trong khuôn khổ chương trình xóa nghèo bền vững theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Sau khi có trạm xá, người dân ở bản Cò Cài – điểm nghèo nhất huyện, có thể đến nơi khám chữa bệnh trong vòng tối đa vài chục phút.
Ông Hà Văn Pằn, Bí thư chi bộ xã Co Cài (Mường Lát) chia sẻ: "Có trạm xá, dân bản được khám chữa tại chỗ là một điều ước của chúng tôi thành hiện thực rồi. Thế nhưng, trạm xá với thiết bị hiện đại có mà điện vẫn chưa tới thì người dân Co Cài vẫn còn lạc hậu dài dài. Chúng tôi mong sao Nhà nước sớm kéo điện đến đây để bà con đỡ khổ”.
Chia sẻ với phóng viên về công trình trạm y tế ở bản Co Cài, ông Cao Văn Cường – Chủ tịch huyện Mường Lát nói: “Nhờ có sự hỗ trợ của Viettel, bản nghèo đã có cơ sở y tế kiên cố, giúp người dân có nơi sơ khám và chữa các bệnh đơn giản, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần đầu tư thêm cho trạm y tế về con người và cả việc kéo điện tới đây để trạm y tế có thể hoạt động đầy đủ các phòng chức năng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.