(HNM) - Ông Hoàng Mạnh Cường (Thanh Trì) hỏi: Bệnh lao hạch cổ là bệnh như thế nào, khi mắc bệnh phải chú ý những gì?
Bệnh lao hạch cổ, theo Đông y còn được gọi là bệnh tràng nhạc hay bệnh dịch hạch. Bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ và thanh niên dưới 30 tuổi. Bệnh do vi trùng lao xâm nhập vào cơ cổ vì đau răng, viêm amiđan, uống văcxin chống lao gây nên, xuất hiện ở một, hai bên cổ hoặc tuyến limpha bị sưng lên. Khi mới bị bệnh, thường chỉ có một tuyến limpha sưng, hơi cứng nhưng không đau và có thể di chuyển được. Dần dần, bệnh phát triển thành nhiều tuyến limpha cùng sưng, tạo nên chuỗi cục dính với các tổ chức xung quanh và không di chuyển được nữa. Sau đó, tuyến limpha dịch hóa, chuyển thành mủ lạnh rồi vỡ, gây chảy máu, mủ trắng như bã đậu, bột gạo và cuối cùng hình thành hang lỗ hay vết loét. Nhiều người khi bị bệnh có kèm cả triệu chứng sốt, gầy còm, ăn không ngon, ra mồ hôi trộm...
Bệnh này có thể điều trị bằng cả phương pháp đông và tây y. Nếu tự điều trị bằng đông y, người bệnh có thể tham khảo bài thuốc sau:
1. Phượng vĩ thảo 90g, sắc uống ngày một thang, uống liền trong 8 ngày. 2. Cây bạc đầu 30g, cát cánh 12g, cam thảo 9g, sắc uống ngày một thang. 3. Cỏ táu đèn tươi 50g, vỏ bí đao 15g, sắc uống ngày một thang. 4. Cây xà môi tươi 100g, sắc uống ngày một thang.
Khi mắc bệnh, người bệnh phải chú ý nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe, không nên ăn những thứ cay, đắng, nhiều dầu mỡ; kiêng rượu, thuốc lá và những thứ kích thích; hạn chế sinh hoạt vợ chồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.