Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khắt khe, chặt chẽ hơn

Lam Giang| 21/12/2022 15:42

(HNMO) - Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài mà cách thức điều tra cũng mới hơn, tiêu chuẩn điều tra có xu hướng chặt chẽ, khắt khe hơn. Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đã nói như vậy tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 21-12 tại Hà Nội.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua, số vụ áp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Tính đến nay, có tổng số 224 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng trong 11 tháng năm 2022, các nước đã tiến hành 16 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại, nông - lâm - thủy sản và sợi.

Ông Chu Thắng Trung chỉ rõ, bên cạnh những biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp như cách để tự vệ thì đã bắt đầu xuất hiện các vụ việc nước ngoài, bao gồm cả thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp mang tính chất lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đây là cách thức điều tra mới của cơ quan điều tra nước ngoài, nhằm mở rộng các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ với những nước đối tượng điều tra ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng với cả các nước khác liên quan.

Ngoài ra, thị trường điều tra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ là thường thấy như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ mà xuất hiện cả với các nước trong khối ASEAN, Mexico…

Xi măng cũng là mặt hàng xuất khẩu đối mặt các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo ông Chu Thắng Trung, các tiêu chuẩn điều tra, các yêu cầu, thủ tục của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp có xu hướng chặt chẽ hơn, khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam liên quan cần nỗ lực để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của mình.

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc đã được Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp phối hợp giải quyết hiệu quả, tránh những thiệt hại không đáng có. Song xu thế tất yếu của thương mại quốc tế hiện nay là ngày càng nhiều quốc gia tiến hành điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành hàng trong nước.

Để hạn chế những rủi ro không cần thiết trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại, không e ngại, né tránh; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh về giá cả và đặc biệt cần thận trọng với hàng hóa chuyển tải, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khắt khe, chặt chẽ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.