Sách

Điều thú vị từ những cuốn sách chân dung âm nhạc

Hạ Yến 03/07/2023 18:27

Cùng với những ca khúc lay động tâm hồn người nghe thì cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ, hoàn cảnh sáng tác bài hát hay những câu chuyện xung quanh tác giả - tác phẩm luôn là chi tiết hấp dẫn đối với người yêu âm nhạc. Những cuốn sách chân dung âm nhạc ra đời là để đáp ứng nhu cầu này.

phong-nha.jpg
Tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã.

“Những năm tháng cũ của Hà Nội còn vẳng lại chúng ta ngày nay là nhờ cây cầu âm nhạc của những bài ca Hà Nội. Chúng ta học được nhiều điều từ đấy, nhưng có thành phố nào trên thế giới này lại có một pho giáo khoa bằng ca khúc như vậy không?” - đó là lời ngỏ của nhà văn Nguyễn Trương Quý trong cuốn sách “Còn ai hát về Hà Nội”. Nguyễn Trương Quý đã “gói” lại trong cuốn sách cả một không gian rộng lớn, từ thời hình thành Thăng Long cho đến nay, với sự tương tác của âm nhạc mà ở đó, người đọc bắt gặp biết bao gương mặt nhạc sĩ thân quen.

Tiếp nối “Còn ai hát về Hà Nội”, Nguyễn Trương Quý viết “Một thời Hà Nội hát” với nhân vật chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, và “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cuốn sách. Nhưng, hơn cả một chân dung âm nhạc, hai cuốn sách không chỉ viết về Đoàn Chuẩn hay Lưu Hữu Phước mà còn mở ra cho người đọc lát cắt lịch sử Hà Nội từ điểm nhìn khảo cứu đời sống âm nhạc, khiến người đọc tìm thấy sự thú vị và độc đáo sau những hình ảnh, giai điệu, lời ca.

Cũng góp phần phục dựng lịch sử, cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam” kể về lịch sử ra đời của nhạc jazz ở Việt Nam qua câu chuyện đời của nhạc sĩ Quyền Văn Minh. Tác giả của cuốn sách, Tiến sĩ Stan BH Tan-TangBau chuyên nghiên cứu về các câu chuyện văn hóa, khẳng định: “Vì cuốn sách này tập trung vào câu chuyện cuộc đời của một cá nhân, người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở đất nước mình, tôi phải nhấn mạnh rằng đây hoàn toàn không phải là một nghiên cứu toàn diện về nhạc jazz ở Việt Nam từ trước đến nay”. Đúng hơn, cuốn sách tìm cách hoàn thiện vai trò bước đệm cho những nghiên cứu rộng hơn về nhạc jazz ở Việt Nam bằng cách đặt câu chuyện cá nhân của một nhạc sĩ ở trung tâm để thuật lại sống động cách nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở Việt Nam như thế nào.

Không phải cuốn sách chân dung âm nhạc nào cũng đậm tính khảo cứu, mà đơn giản là chính cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ đã là câu chuyện chứa sức nặng hấp dẫn với người đọc. Cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau...” chẳng hạn, như tác giả, Tiến sĩ Lê Y Linh đã chia sẻ: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ “chỉ cần” điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”. Mỗi trang viết đó giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ, và chính cuộc đời ấy là chứng nhân lịch sử giúp bạn đọc tiếp cận với một giai đoạn lịch sử âm nhạc nước Việt. Với nhạc sĩ Hoàng Vân, đó là âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.

Rất nhiều cuốn sách chân dung âm nhạc đã được viết theo phong cách đó. Có thể kể đến “Âm thanh cuộc đời” về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Chúng tôi đã sống như thế” về nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Phong Nhã - Đời tôi sóng nhạc bay lên”, “Nhạc sĩ Hồng Đăng - Chân trời gọi nắng”, “Lưu Hữu Phước - Cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc”, “Nhạc sĩ Xuân Hồng”, “Trịnh Công Sơn - Tôi là ai, là ai...”, “Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện” của Phú Quang...

Có những cuốn sách phác họa chân dung và cuộc đời, có cuốn sách được viết theo dạng hồi ký, có cuốn là tập hợp các bài viết của người thân, bạn bè, nhà nghiên cứu âm nhạc, hay như cuốn sách “Phong Nhã - Đời tôi sóng nhạc bay lên” được biên soạn dựa trên các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống.

Đồ sộ nhất thì phải kể đến bộ sách “Những tài danh âm nhạc Việt Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Không viết theo lối "trích ngang lý lịch", Nguyễn Thụy Kha khai thác thể loại “tiểu thuyết chân dung” khi viết về Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du. Bộ sách là tài liệu quý về các nhạc sĩ Việt Nam thế kỷ XX.

Dẫu viết về cuộc đời nhạc sĩ hay qua cuộc đời ấy kể câu chuyện lịch sử thì những cuốn sách chân dung âm nhạc vẫn mang đến thông tin hấp dẫn cho người đọc, là kho tư liệu cho thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều thú vị từ những cuốn sách chân dung âm nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.