Do điều kiện hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, tôi mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thêm thu nhập… Xin được hỏi quý báo, người lao động Việt Nam muốn đi làm việc ở nước ngoài trước hết phải có các điều kiện như thế nào và hồ sơ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài gồm những giấy tờ gì? Hoàng Văn Trung (Từ Liêm, Hà Nội)
Do điều kiện hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, tôi mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thêm thu nhập… Xin được hỏi quý báo, người lao động Việt Nam muốn đi làm việc ở nước ngoài trước hết phải có các điều kiện như thế nào và hồ sơ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài gồm những giấy tờ gì?
Hoàng Văn Trung (Từ Liêm, Hà Nội)
Thạc sĩ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Theo Điều 42 Luật Về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì người lao động Việt Nam được đi làm việc ở nước ngoài khi đáp ứng đầy đủ các quy định như sau: 1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; 3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt; 4. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; 5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; 6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết; 7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài.
* Hồ sơ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Điều 43 Luật Về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 gồm có: a) Đơn đi làm việc ở nước ngoài; b) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người lao động và nhận xét về ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức; c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; d) Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, chuyên môn, tay nghề và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết; đ) Giấy tờ khác theo yêu cầu của bên tiếp nhận lao động.
Ngoài ra, phụ thuộc vào nước hoặc vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam mà người lao động có thể phải nộp thêm các loại giấy tờ khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.