(HNM) - Tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới đạt khoảng 8,5%, tương đương 50% chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm 2018 là 17%.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao, phải thực hiện đồng thời. Đó là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, song song với thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Với tính toán hiện nay, 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng, cũng như kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn bảo đảm thanh khoản cho những lĩnh vực được ưu tiên này.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP trong quý III là yếu tố quyết định chủ trương tăng trưởng tín dụng năm 2018. Nếu GDP tăng chậm lại trong quý III và lạm phát ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy GDP. Ngược lại, nếu lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính đến bài toán điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.
Trên thực tế, mặc dù lạm phát đã tăng chậm lại từ mức 4,67% trong tháng 6 xuống còn 3,78% trong tháng 8, song áp lực lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong quý IV do các yếu tố mùa vụ. Lạm phát đã tăng trở lại trong năm nay trái ngược với xu hướng lạm phát thấp của 3 năm trước.
Trong 9 tháng năm 2018, GDP đã tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, Chính phủ có thể hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% được đặt ra từ đầu năm. Kịch bản được HSC đưa ra là, nếu tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm thấp hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2017, tăng trưởng GDP quý III giảm so với 6 tháng đầu năm, thậm chí thấp hơn mức tăng trưởng của quý II, tác động của tăng trưởng tín dụng đến tăng trưởng GDP sẽ đáng lo ngại.
Do đó, có thể sẽ có những thay đổi về mục tiêu ưu tiên là ổn định lạm phát. Nếu GDP vẫn đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, không nới “room” tín dụng cho các ngân hàng.
Theo HSC, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng dự báo có thể dao động trong khoảng 14-18%, chính xác hơn là xoay quanh mốc 16%. Mức này được tính trên cơ sở so sánh thay đổi trong năm của tốc độ tăng so với cùng kỳ của tín dụng trong các năm 2015, 2016 và 2017, chênh lệch khoảng 3%.
Cùng với đó là so sánh mức tăng so với cùng kỳ của tín dụng tháng 8 và tháng 12-2017 là 2%. Một tiêu chí khác được HSC tính toán là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 17%, trong khi chỉ tiêu thực tế mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho hầu hết các tổ chức tín dụng là 14%. Vì vậy, dự báo tăng trưởng tín dụng cao nhất có thể đạt 17-18%, thấp nhất là 14%.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Việc điều tiết lượng tiền cung ứng qua các kênh được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và hợp lý, nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.