Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh viện phí: Công bằng cho mọi đối tượng

Đức Trung| 10/08/2010 07:40

(HNM) - Sau khi có thông tin Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc tăng viện phí, điều chỉnh giá một số dịch vụ cho phù hợp với thực tế, nhiều người dân tỏ ra lo lắng. 350 trong tổng số 3.000 dịch vụ được điều chỉnh có hợp lý và bệnh nhân nghèo có bị ảnh hưởng nhiều hay không là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

* Điều chỉnh gần 12% số dịch vụ l Giá dịch vụ chỉ bằng 38% chi phí thực tế
(HNM) - Sau khi có thông tin Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc tăng viện phí, điều chỉnh giá một số dịch vụ cho phù hợp với thực tế, nhiều người dân tỏ ra lo lắng. 350 trong tổng số 3.000 dịch vụ được điều chỉnh có hợp lý và bệnh nhân nghèo có bị ảnh hưởng nhiều hay không là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Làm thủ tục cho các bệnh nhân khám, chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Thu đúng người cần thu

Mức thu viện phí như hiện nay có sự chênh lệch rất xa so với giá trị thực tế, bởi có sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ trước đến nay, cả người giàu và người nghèo đều được hưởng chung sự hỗ trợ đó. Điều này sẽ là không công bằng đối với người nghèo, trong khi người có tiền vẫn được hưởng ưu đãi. Mục đích cuối cùng của việc điều chỉnh viện phí là nhằm bảo đảm công bằng xã hội, để người có điều kiện về kinh tế bỏ đúng số tiền đáng phải chi trả cho việc điều trị bệnh của mình, Nhà nước không phải hỗ trợ mọi đối tượng, giảm gánh nặng cho ngân sách. Một phần số tiền mà bệnh nhân bỏ ra qua việc đóng viện phí sẽ quay trở lại đầu tư (mua máy móc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao…) cho chính việc chăm sóc sức khỏe của họ. Lúc đó, họ sẽ được hưởng những dịch vụ y tế tốt hơn đúng với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Trên toàn quốc, nguồn thu từ viện phí và BHYT chiếm hơn 50% tổng số thu của các bệnh viện, nhiều nơi chiếm tới 90%.
Chi phí để bảo đảm hoạt động của bệnh viện và thực hiện các dịch vụ y tế tăng so với năm 1995: tiền điện tăng từ 640 đồng/kwh lên 1.170 đồng/kwh; tiền nước tăng từ 2.000 đồng/m3 lên 6.270 đồng/m3; xăng dầu từ 4.700 đồng/lít lên 16.000 đồng/lít; giá vật tư, hóa chất, thuốc đều tăng; chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp 2,5 lần.
Trong số 350 dịch vụ được điều chỉnh giá, có 220 dịch vụ chỉ tăng gấp 2,5 lần, bằng với mức trượt giá; 60 dịch vụ tăng từ 2,5 đến 5 lần; 70 dịch vụ tăng từ 7 đến 10 lần vì sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hóa chất, thay đổi phương pháp điều trị và mức viện phí cũ mới chỉ tính bằng 20% đến 30% tổng các chi phí tại thời điểm ban hành.

Còn với các nhóm đối tượng khác, sự công bằng được thể hiện ở chỗ: người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, được Nhà nước bảo hộ bằng việc mua BHYT 100%; người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được thanh toán 100% nếu khám chữa bệnh tại trạm y tế và 5% tại các bệnh viện công lập. Đối tượng cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mệnh giá BHYT của người nghèo; học sinh, sinh viên được hỗ trợ từ 30% đến 50%. Từ ngày 1-1-2012, các đối tượng làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cũng được bảo hiểm hỗ trợ tối thiểu 30%.


Viện phí mới chỉ bằng 38% chi phí thực tế
Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), trong số 350 dịch vụ dự kiến sửa đổi lần này, có dịch vụ tăng nhiều, có dịch vụ tăng ít nhưng đều được tính toán dựa trên chi phí thực tế. So với các nước trong khu vực, giá dịch vụ y tế ở nước ta vẫn rẻ hơn nhiều nên những đối tượng có mức thu nhập từ trung bình khá trở lên hoàn toàn có khả năng chi trả. Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều người bệnh thuộc đối tượng này tìm đến dịch vụ y tế theo yêu cầu ở các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài với giá điều trị cao, thậm chí ra nước ngoài chữa bệnh. Mặc dù trong nhóm đối tượng này cũng có nhiều người mắc các bệnh nặng (ung thư, chạy thận nhân tạo…) gặp khó khăn vì chi phí lớn nhưng họ cũng vẫn có hướng giải quyết rất hiệu quả là tham gia BHYT tự nguyện, hoặc có sự hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ của các bệnh viện, địa phương… Khi đó, gánh nặng viện phí sẽ giảm đi.

Vẫn tuân thủ nguyên tắc chỉ thu một phần viện phí cho nên lần điều chỉnh này các khoản đã được ngân sách nhà nước chi thì không tính và thu viện phí. Bộ Y tế khẳng định, viện phí điều chỉnh cũng chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Vì thế, không thể nói rằng, điều chỉnh viện phí để tăng thu nhập cho cán bộ y tế hay lấy nguồn thu này để xây dựng, mở rộng bệnh viện.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm,  nếu tính cụ thể thì người bệnh nói chung hưởng lợi rất nhiều. Bởi lẽ, dự thảo điều chỉnh đề xuất tổng giá thành tối đa cho một lần khám bệnh là 30.000 đồng. Trong khi đó, tổng chi phí thực tế tại bệnh viện (bao gồm găng tay, mũ, khẩu trang, ga, bông, băng, cồn gạc, đồ vải, nhiệt kế, đè lưỡi... vật tư tiêu hao thông dụng, điện, nước phục vụ cho khu khám bệnh, vệ sinh, an ninh…) lên tới 79.479 đồng/lần khám.

Khu vực làm thủ tục cho bệnh nhân khám, chữa bệnh có BHYT  tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Ảnh: Bá Hoạt

Mức độ ảnh hưởng tới bệnh nhân nghèo

Trước những băn khoăn về việc viện phí tăng chất lượng điều trị liệu có tăng, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Viện phí chỉ là một trong nhiều điều kiện bảo đảm chất lượng điều trị. Muốn nâng cao chất lượng điều trị thì phải cần rất nhiều yếu tố như con người, trang thiết bị, phương tiện, vật tư tiêu hao, thuốc, tinh thần phục vụ, quản lý chất lượng bệnh viện… Một vài con số: Nước ta hiện có hơn 200.000 cán bộ, nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 31,2 CBYT/1 vạn dân (để đáp ứng được với yêu cầu thực tế, tỷ lệ này phải tăng lên từ 1,5 đến 2 lần); tỷ lệ số giường/1 vạn dân mới đạt 20,5 (các nước trong khu vực vào khoảng 30-40 giường/1 vạn dân) cho thấy, để tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị không chỉ trông chờ vào lần điều chỉnh viện phí này.

Vậy thì, người dân được lợi gì khi phải trả số tiền khám chữa bệnh cao hơn trước? Ngành y tế sẽ làm gì để người dân được hưởng những lợi ích đó?

Với việc thu đúng đối tượng cần thu, ngân sách nhà nước sẽ có nguồn đầu tư cho các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ngành y tế cũng có thêm nguồn lực dành ưu tiên cho tuyến y tế cơ sở, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, thực hiện Luật BHYT, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai khám, chữa bệnh ban đầu cho người bệnh có thẻ BHYT. Bộ Y tế đang đề nghị bổ sung thêm việc thu một phần viện phí ở tuyến xã để bù đắp các chi phí và làm căn cứ để cơ quan BHXH thanh toán cho trạm y tế xã. Mức giá dịch vụ y tế ở tuyến xã được tính theo mức tối thiểu của khung giá đã được ban hành. Số thu viện phí (kể cả viện phí do cơ quan BHXH thanh toán) của các trạm y tế xã, phường, thị trấn được để lại toàn bộ cho trạm y tế sử dụng. Như vậy, người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, có thể yên tâm khám bệnh tại tuyến cơ sở và được BHYT chi trả.

Thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất

Theo Bộ Y tế, cả nước có 1.817 cơ sở khám chữa (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện thanh toán theo phí dịch vụ (chiếm 83,5%) và 359 cơ sở KCB (không tính trạm y tế xã) thực hiện thanh toán theo định suất (16,5%), trong đó chủ yếu là cơ sở KCB tuyến huyện. Thanh toán theo định suất là thanh toán theo một mức chi phí KCB bình quân tính trên mỗi thẻ BHYT (theo nhóm đối tượng) trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế, trừ 4 nhóm bệnh có chi phí rất lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, bệnh Hemophilia, bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường...), sẽ có quỹ chung để thanh toán.

Theo lộ trình của Luật BHYT, đến năm 2015, tất cả cơ sở y tế tuyến quận, huyện đều triển khai phương thức thanh toán theo định suất. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc triển khai phương thức thanh toán này hiện cũng còn nhiều vướng mắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh viện phí: Công bằng cho mọi đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.