Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ: Gỡ “nút thắt” cho đất bãi ven sông?

Kim Văn| 14/08/2017 07:43

(HNM) - Sau gần 10 năm thực hiện, Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thiết phải điều chỉnh.

Hà Nội đang tiếp tục tu bổ, nâng cấp hệ thống đê phòng chống lũ.


Thực tế nhiều bất cập

Nhiều năm nay, hai xã Yên Mỹ, Duyên Hà luôn dẫn đầu huyện Thanh Trì về số vụ vi phạm pháp luật đê điều. Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết, nguyên nhân do toàn bộ địa giới hành chính của xã nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng. Theo quy định, người dân muốn xây dựng công trình phải xin thỏa thuận với đơn vị quản lý đê. Chính từ sự "rắc rối" này nên xảy ra nhiều trường hợp vi phạm. Cũng do nằm trong hành lang thoát lũ nên ngay cả trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã và 5 nhà văn hóa thôn, trạm y tế mặc dù đã xuống cấp và diện tích chật hẹp, nhưng chưa được các cấp thẩm quyền cho phép xây dựng, cải tạo…

Tương tự, các xã, phường: Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); Kim Lan, Văn Đức (huyện Gia Lâm); Vân Côn (huyện Hoài Đức); Kim An (huyện Thanh Oai); Hồng Quang (huyện Ứng Hòa); Minh Châu (huyện Ba Vì)… là những địa phương có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông. Theo Quy hoạch phòng, chống lũ năm 2009 và Quy hoạch đê điều năm 2013 của TP Hà Nội thì những địa phương trên đều phải di dời. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và quỹ đất tái định cư nên chưa thể chuyển những địa phương trên ra khỏi khu vực bãi sông. Thực tế này không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây ra những bức xúc trong nhân dân...

Để tạo thuận lợi cho các địa phương khai thác, quản lý hiệu quả quỹ đất ven sông, xây dựng hệ thống phòng, chống lũ phù hợp diễn biến khí hậu, thủy văn, ngày 18-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quy hoạch năm 2016).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định, đây là quy hoạch đột phá, gỡ “nút thắt” cho thành phố Hà Nội. Quy hoạch này đã nhìn thẳng vào sự thật và đưa ra định hướng có tính khả thi cao. Nếu thực hiện, Hà Nội chỉ phải di dời 3.498 hộ dân thay vì di dời 30.230 hộ dân nếu thực hiện quy hoạch trước đó.

Hà Nội thực hiện như thế nào?

Hoàn Kiếm là quận có nhiều phường nằm hoàn toàn phía ngoài đê đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.


Theo Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) Phạm Quang Đông, so với Quy hoạch năm 2007 thì Quy hoạch năm 2016 có 3 nội dung khác biệt. Không gian thoát lũ được xác định bao gồm: Khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê. Quy hoạch này không đề cập đến chỉ giới thoát lũ, tuyến thoát lũ; không nâng cao tuyến đê bối hiện có; không xây mới đê bối. Đặc biệt, Quy hoạch năm 2016 đã đề cập đến việc quản lý, sử dụng bãi sông, đưa ra quan điểm ứng xử với các khu dân cư hiện hữu, khu vực bãi sông chưa có công trình…

Sau khi rà soát các bãi sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu và sông Cà Lồ, TP Hà Nội đề nghị di dời 9 khu dân cư, với tổng số 2.204 hộ. Cụ thể là các khu: Võng La - Hải Bối, Đông Ngàn - Đông Hội (huyện Đông Anh); Đông Ngạc - Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ); Bắc Cầu, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên); Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Bên cạnh đó, thành phố cũng thống nhất đề nghị di dời 621 hộ sinh sống phân tán ở các bãi sông tả Cà Lồ, hữu Hồng, tả Hồng, tả Đuống, hữu Cầu. Các khu dân cư phải di dời là những khu vực bị sạt lở, rất nguy hiểm, lòng sông co hẹp và có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn.

Đối với các bãi trên sông Đáy, đoạn thuộc khu vực lòng hồ Vân Cốc (huyện Phúc Thọ), thành phố đề nghị không xây dựng nhà ở hoặc công trình trong giới hạn từ đường biên dọc theo bờ trái cống Vân Cốc đến kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận trong phạm vi 2km sau cống Vân Cốc… Các khu vực dân cư quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và một số nơi khác ở các xã, phường như: Phú Châu (huyện Ba Vì); Vân Nam, Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ); Thượng Cát, Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ); Tự Nhiên (huyện Thường Tín); Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) phía hữu Hồng và Tráng Việt (huyện Mê Linh); Ngọc Thụy, Cự Khối (quận Long Biên); Đông Dư, Bát Tràng (huyện Gia Lâm) phía tả Hồng được tồn tại, bảo vệ và được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở…

Để nâng cao năng lực hệ thống công trình chống lũ, dự kiến đến năm 2025, thành phố huy động khoảng 27.125 tỷ đồng để di dân vùng bãi sông Đông Ngạc - Nhật Tảo, Thượng Cát - Liên Mạc, Võng La - Hải Bối, Bắc Cầu, Bồ Đề, Bát Tràng; đồng thời, nâng cấp tu bổ hệ thống đê; nạo vét các bãi sông Hồng, sông Đáy; nâng cấp xây mới kè sông; xây dựng đường giao thông, kết hợp bảo vệ dân cư; chỉnh trị đoạn cửa vào sông Đuống...

Để giải quyết những việc cơ bản, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết: Dự kiến trong tháng 11 năm nay, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố để thông qua Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở quy hoạch phòng, chống lũ được phê duyệt, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện dự án điều chỉnh Quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến đến tháng 10-2018, Sở NN&PTNT sẽ hoàn thành các hạng mục công việc, trình UBND thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT phê duyệt…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ: Gỡ “nút thắt” cho đất bãi ven sông?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.