Quy hoạch

Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn dài hạn

Bảo Hân 03/07/2023 - 06:26

Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được phê duyệt là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội. Với yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc điều chỉnh quy hoạch được kỳ vọng nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề đang phát sinh hiện nay, đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững trong tương lai.

hn.jpg
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được phê duyệt góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề đang phát sinh hiện nay, đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Ảnh: Nhật Nam

Từ những yêu cầu cấp bách

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, hơn 10 năm qua là công cụ pháp lý quan trọng cho quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đánh giá, quá trình triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô từ năm 2011 đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề, dẫn tới bắt buộc phải điều chỉnh tổng thể.

“Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô. Quy mô dân số đã vượt dự báo. Chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm…”, ông Lưu Quang Huy nói.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng chia sẻ, với những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ngày 16-6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó nhấn mạnh quy hoạch cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là dấu mốc quan trọng khi thành phố Hà Nội đã có “đầu bài” với những yêu cầu đặt ra rõ ràng, cụ thể nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

quy-hoch-2030.jpg
Người dân tìm hiểu đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Cung triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia.  Ảnh: Nam Nguyễn

Đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Một trong những điểm mới đáng chú ý của điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này là thời hạn và tầm nhìn của quy hoạch. Đồ án được duyệt năm 2011 có thời hạn thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này kéo dài thêm 15 năm. Theo các chuyên gia quy hoạch, đây thực sự là một thách thức rất lớn, đòi hỏi những người xây dựng đồ án quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc rà soát, đánh giá lại Quy hoạch chung là việc hết sức cần thiết đối với Hà Nội để từ đó đưa ra dự báo chiến lược về ngành, kinh tế - xã hội, vừa là định hướng cho quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, vừa làm nền tảng tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, cần có tư vấn tốt để có chất lượng quy hoạch tốt. Thành phố nên tổ chức thi lựa chọn tư vấn để cùng thành phố xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên thiên nhiên, con người cũng như các nguồn lực khác, giúp xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm.

Nhiệm vụ quy hoạch lần này cũng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu định hướng quy mô dân số vì trong những năm gần đây, việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm... Với tốc độ gia tăng nhanh ngoài dự báo, việc định hướng dân số trong các giai đoạn sau này cũng là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi thành phố có sự quản lý chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, những điểm mới như tầm nhìn quy hoạch, chỉ tiêu dân số, mô hình thành phố trong Thủ đô… là những định hướng lớn, phức tạp tác động nhiều đến điều chỉnh quy hoạch lần này. Do đó, thành phố cần tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu để đưa ra những dự báo, bảo đảm đồ án quy hoạch điều chỉnh có chất lượng và tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố sẽ khẩn trương triển khai các bước tiếp theo như lựa chọn tư vấn; thành lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện, nghiên cứu sâu các động lực phát triển cho Thủ đô; điều tra, phân tích, đánh giá thực trạng; thu thập, chuẩn hóa số liệu… Đặc biệt, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch được triển khai song song, tích hợp liên thông với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng.

Thủ đô Hà Nội với vai trò và vị thế là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ... nên mỗi lần lập hoặc điều chỉnh quy hoạch là một dấu mốc phát triển quan trọng của Thủ đô. Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô lần này với nhiều yêu cầu mới luôn song hành cả cơ hội lẫn thách thức rất lớn với Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.