(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 13-3-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần thứ 2. Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 5-4-2020. Trong bối cảnh này, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa duy trì nền nếp, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Học sinh bớt lo lắng
Theo điều chỉnh lần 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian năm học 2019-2020 như sau: Kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020; thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020. Trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet, trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại...
Đến thời điểm này, học sinh mầm non và phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã nghỉ học được 7 tuần. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hầu hết giáo viên, học sinh đều rất nóng lòng muốn được đến trường dạy, học. Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Mai Thị Tình, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa), điều cần ưu tiên lúc này là bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và thầy, cô giáo. Do vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học và việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 2 tuần nữa là cần thiết.
Em Trần Nam Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm bày tỏ: "Chúng em đã bớt đi nhiều lo lắng khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay được lùi tới tháng 8, chứ không phải vào tháng 6 như mọi năm. Hiện tại, chúng em đang tranh thủ bổ sung kiến thức để tránh phải học bù nhiều, dễ dẫn đến quá tải, căng thẳng và học không hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả thi".
Đặc biệt, qua ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới còn cho thấy, thời gian vừa qua, mặc dù học sinh không đến trường học, nhưng các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đều tích cực hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, các trường học trên địa bàn huyện xác định mục tiêu quan trọng nhất lúc này là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chính vì vậy, dù thời gian nghỉ học có phải kéo dài thêm, đội ngũ giáo viên toàn ngành vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, vừa hướng dẫn học sinh phòng, chống dịch, vừa hỗ trợ các em học tập hiệu quả tại nhà, cố gắng giữ thói quen học tập, không để các em mất nhịp học khi nghỉ dài ngày.
Là phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thư Phú, huyện Thường Tín, ông Trần Nam Thành chia sẻ: “Việc tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến chúng tôi càng phải trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong quản lý, giám sát con học tập. Dù bận công việc, nhưng vợ chồng tôi vẫn phân công nhau học cùng con ở nhà để duy trì nền nếp học tập, giúp con sẵn sàng bắt nhịp khi đi học trở lại”.
Chủ động các giải pháp
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan và tổ chức các hình thức dạy, học hiệu quả, phù hợp được các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cũng đã tổ chức chương trình "Học trên truyền hình" để phục vụ việc học tập và ôn luyện của học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên cho biết, nhà trường đã xây dựng các phương án “sống chung với dịch”, trong đó khuyến khích giáo viên chủ động tìm kiếm, sử dụng các phần mềm dạy học phù hợp để giao bài tập và kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhằm nâng cao chất lượng dạy, học cho học sinh lớp 12, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn đều phải cùng dự các giờ dạy trên truyền hình, từ đó thực hiện các tiết dạy, ôn tập trực tuyến cho học sinh...
Còn tại Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ), những học sinh không có điều kiện học qua internet, giáo viên có trách nhiệm gửi bài tập đến tận nhà cho học sinh. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An Nguyễn Thị Kim Xuân, ngoài việc giảm mức độ yêu cầu khi kiểm tra, đánh giá, nhà trường xây dựng nội dung học phù hợp theo từng tuần, giúp học sinh tiến bộ với chính mình và không để học sinh bị quá tải.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, các hình thức học qua internet hoặc qua truyền hình có hạn chế là tính tương tác ít hơn so với hình thức dạy học truyền thống. Đây là khó khăn lớn đối với cả giáo viên và học sinh trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi nhà trường, gia đình phải chung sức khắc phục. Đặc biệt là các phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con học thường xuyên hơn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng, để bảo đảm chất lượng dạy, học trong bối cảnh hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng bài học và ôn luyện cho học sinh theo hướng học đến đâu, chắc đến đó, đồng thời quan tâm kèm cặp học sinh yếu, kém, hỗ trợ những học sinh bị hổng kiến thức...
“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ động xây dựng phương án thực hiện kế hoạch thời gian năm học trên địa bàn thành phố phù hợp với khung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm mọi học sinh đều có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định để đáp ứng mục tiêu của chương trình và tham dự các kỳ thi. Đối với học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 đừng quá lo lắng, bởi kỳ thi sẽ được tổ chức vào thời điểm phù hợp, bảo đảm để các em có thời gian ôn tập, nghỉ ngơi hợp lý. Các em học sinh yên tâm rằng, phương án thi không có gì thay đổi, song mức độ yêu cầu của đề thi dự kiến sẽ giảm”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.