(HNM) - Khi các liên đoàn thể thao thế giới có sự thay đổi lớn về điều lệ thi đấu, thể thao Việt Nam phải sớm thích nghi, có sự điều chỉnh chiến lược phù hợp, đặc biệt về cách thức đầu tư nhằm đạt được thành tích khả quan khi tham gia các giải quốc tế quan trọng.
Vận động viên karatedo Nguyễn Thị Ngoan (trái). |
Gặp khó khi không có thứ hạng cao
Đội tuyển vật Việt Nam vừa tham dự Giải Vật Châu Á 2018 với thành phần gồm 6 đô vật nữ. Họ là những người cảm nhận rõ nhất về sự thay đổi điều lệ thi đấu của Liên đoàn Vật Châu Á. Theo đó, những đô vật có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới được xếp vị trí hạt giống, tức không phải trải qua những trận vòng ngoài, thậm chí chỉ cần một trận thắng là lọt vào vòng tranh huy chương - điều mà những đô vật có thứ hạng thấp phải trải qua 2-3 trận thắng mới có được. Trước khi dự giải này, thứ hạng của một số vận động viên đội tuyển vật Việt Nam không cao nên có 3 người phải trải qua vòng loại và họ đều thua trận. Ba đô vật còn lại nằm trong tốp 10 thế giới nên được xếp vào nhóm hạt giống, và đều suýt giành huy chương... Điều đáng nói là tới đây, cách tính thứ hạng nói trên dự kiến được áp dụng tại Giải vô địch thế giới, Đại hội Thể thao Châu Á hay vòng loại Olympic.
Vật không phải là môn thể thao duy nhất cảm nhận được hiệu ứng từ sự thay đổi điều lệ thi đấu ở các giải thế giới. Trước đây, nhiều môn thể thao đã áp dụng cách xếp hạng hạt giống, rõ nhất là môn cầu lông. Với cách tính ở môn này, các tay vợt Việt Nam phải nằm trong nhóm 40 vận động viên hàng đầu thế giới ở nội dung đơn hoặc nội dung đôi thì mới có cơ hội tham dự Olympic.
Cách đây 2 năm, Liên đoàn Karatedo thế giới cũng đặt ra tiêu chí xác định vận động viên được quyền tham dự Olympic 2020. Theo đó, những người nằm trong nhóm 10 vận động viên hàng đầu thế giới ở mỗi hạng cân sẽ giành quyền tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh...
Rõ ràng với sự thay đổi nói trên, hành trình chinh phục huy chương Olympic của thể thao Việt Nam sẽ phải bắt đầu từ việc phấn đấu có vận động viên nằm trong nhóm 10 hàng đầu thế giới. Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh nhận xét: “Nếu không có thứ hạng cao thì khó có thể nói tới thành tích tốt tại các cuộc đấu quan trọng đối với thể thao Việt Nam như ASIAD hay vòng loại Olympic”.
Xác định rõ hướng đầu tư
Những thay đổi trên từ các liên đoàn thể thao thế giới và châu lục đã và sẽ làm thay đổi căn bản định hướng đầu tư cho vận động viên. Với riêng thể thao Việt Nam, cách đầu tư dàn trải đã dần được thay thế bằng chủ trương đầu tư trọng điểm - tập trung cho một số vận động viên nhất định. Nhưng trong điều kiện kinh phí eo hẹp, khả năng huy động nguồn xã hội hóa không đồng đều ở các môn, ngành Thể thao sẽ phải tính toán thật kỹ, thậm chí phải tính đến phương án chỉ đầu tư cho 1-2 vận động viên trọng điểm ở từng môn khi nhắm đến mục tiêu ASIAD hoặc tranh vé tham dự cũng như đoạt huy chương tại Olympic.
Thực tế đã phản ánh điều này, như bộ môn vật đã thay đổi định hướng đầu tư. Theo ông Nguyễn Thế Long - Trưởng bộ môn vật (Tổng cục Thể dục thể thao), nếu trước đây kinh phí phục vụ tập huấn, thi đấu quốc tế được san sẻ một phần cho các đô vật nam thì nay được dành cả cho một số đô vật nữ có khả năng tranh chấp huy chương ASIAD và giành vé tham dự Olympic. Các đô vật nữ thay vì chỉ có thể dự 1-3 giải quốc tế/năm thì nay, số giải mà họ tham dự sẽ tăng gấp đôi nhằm đạt thứ hạng trong nhóm 10 hoặc 20 đô vật hàng đầu thế giới. Hiện tại, vật nữ Việt Nam có 3 người nằm trong nhóm 10 đô vật hàng đầu thế giới là Vũ Thị Hằng (53kg, hạng 9), Kiều Thị Ly (55kg, hạng 10), Đào Thị Hương (57kg, hạng 9). Ông Đới Đăng Hỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, phụ trách môn vật cho rằng, các đô vật nói trên phải được tăng ít nhất gấp đôi số lần tập huấn quốc tế kết hợp tham dự các giải quốc tế mở rộng ở một số quốc gia - điều chưa từng có với các đô vật nước ta.
Trong khi đó, ông Vũ Sơn Hà (Trưởng bộ môn karatedo, Tổng cục Thể dục thể thao) cho rằng, để có thể giữ vị trí trong tốp 10 thế giới tới thời điểm Liên đoàn Karatedo thế giới xét chọn vận động viên dự Olympic 2020, Nguyễn Thị Ngoan cần dự khoảng 8-10 giải quốc tế trong năm. Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự nỗ lực của võ sĩ trong việc giữ hoặc cải thiện thứ hạng.
Những năm gần đây, Tổng cục Thể dục thể thao tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc đầu tư kinh phí cho những vận động viên trọng điểm thi đấu, tập huấn quốc tế. Theo ông Hoàng Quốc Vinh, đây là giải pháp tốt nhất hiện nay, đặc biệt với những môn khó thu hút nguồn xã hội hóa nhưng lại có tiềm năng vươn xa ở đấu trường châu lục và thế giới. Quan trọng nhất là các bên phải cùng xác định mục tiêu, phân công, phân nhiệm, làm “rõ vai” trong quá trình đầu tư cho vận động viên. Nếu không sớm thích nghi với sự thay đổi của thể thao thế giới, muốn đầu tư vừa phải nhưng lại mong có thành tích cao thì không khác gì tự trói chân mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.