(HNMO) - Ngày 4-3, Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các ý kiến đóng góp rất đa dạng, hầu hết các chương đều được các đại biểu quan tâm, nhất là lời nói đầu, các điều liên quan đến vai trò của Đảng, chủ tịch nước, chính quyền địa phương…
Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều ý kiến cho rằng, Điều 4 Dự thảo Hiến pháp là sự tất yếu cần phải có để duy trì sự lãnh đạo của Đảng trong tương lai. Đây còn là sự bảo đảm về sự ổn định về chính trị để đất nước có điều kiện phát triển.
Góp ý về các quy định liên quan đến chính quyền địa phương, các đại biểu cho rằng, quy định về hội đồng nhân dân rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là chưa coi trọng tổ chức hội đồng nhân dân. Một số ý kiến khẳng định, hội đồng nhân dân cần phải được xác định rõ là cơ quan quyền lực ở địa phương, là đại diện cho dân ở địa phương, là một phần thể hiện quyền công dân, nên phải xác định rõ chức năng và tổ chức. Có ý kiến đề nghị phải ghi rõ trong Hiến pháp là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cấp kinh phí, tạo điều kiện cho đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động như đại biểu Quốc hội.
Về mặt hình thức, nhiều ý kiến cho rằng, văn phong bản Dự thảo còn dài dòng, khó hiểu, chưa tương xứng với tầm của một bản “đạo luật gốc”. Nhiều ý kiến đánh giá phần mở đầu còn dài dòng, nêu nhiều nhưng chưa toát lên được những nội dung cốt lõi. Trong khi đó, một số nội dung lại dùng câu cụt, khó hiểu như Điều 21 chỉ ghi “Mọi người có quyền sống” hay Khoản 2, Điều 34 “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh”… Nhiều đại biểu đề nghị nên rà soát toàn bộ về câu chữ, văn phong bản Dự thảo để chính sửa cho thật trong sáng, ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu.
Ngoài 9 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị, các đại biểu đã gửi văn bản đóng góp ý kiến cho ban tổ chức. Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo với Trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.