(HNM) - Hạ tầng điện toán đám mây là thành phần cốt lõi của hạ tầng số, cùng với các hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng internet kết nối vạn vật (IoT) và các nền tảng số. Thời gian qua, các nhà cung cấp đã liên tục đầu tư các trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn dữ liệu trên không gian mạng…
Chỉ tính riêng trong khoảng 4 tháng trở lại đây, đã có 3 nhà cung cấp lớn khai trương hoạt động trung tâm dữ liệu mới là CMC, Viettel và VNG. Cả 3 trung tâm đều được đầu tư với số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng, xây dựng hiện đại với quy mô lớn (lên tới hàng nghìn tủ rack)… Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường điện toán đám mây là rất lớn, nhất là các hãng nghiên cứu chuyên sâu nước ngoài đều đưa ra các dự báo tiềm năng thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đạt mức 400-700 triệu USD đến năm 2025. Thực tế trong năm 2020-2021, thị trường này tại Việt Nam đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ và cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, có đến 80% trong tổng số tiền 4.500 tỷ đồng trên đang thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là Google, Microsoft, Amazon, doanh nghiệp trong nước chỉ giữ mức khiêm tốn với 20%, tương đương khoảng 900 tỷ đồng. Và một vấn đề nữa là lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng dịch vụ điện toán đám mây vẫn còn chưa phổ biến. Cụ thể, khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (Mỹ) tại Việt Nam, có 56% doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, trong khi đó tại Hoa Kỳ, năm 2019 đã có 94% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này…
Nhấn mạnh hạ tầng điện toán đám mây là thiết yếu của nền kinh tế số, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách ưu đãi cao nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này về đất đai, thuế, vốn… Đồng thời khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, có thể theo hình thức đặt hàng sử dụng. Cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu.
Còn theo đại diện Cục An toàn thông tin, thời gian qua, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu xu hướng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tiếp tục phát triển thì riêng dịch vụ lưu trữ trên đám mây phục vụ cho người dùng internet tại Việt Nam có thể lên tới 500 triệu USD…
Chia sẻ về định hướng thời gian tới, lãnh đạo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp. Việt Nam phấn đấu làm chủ các công nghệ điện toán đám mây và đa dạng các loại hình ứng dụng. Bên cạnh đó, nước ta sẽ kết nối nền tảng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của các doanh nghiệp theo mô hình Multi Cloud. Việt Nam cũng sẽ kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích việc phát triển, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam.
Dịch vụ điện toán đám mây được xác định là mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ quan, tổ chức, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng điện toán đám mây; nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang điện toán đám mây: Bảo đảm an ninh thông tin…
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng điện toán đám mây, vì đây là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số. Để đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây sẽ lớn hơn thị trường viễn thông, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hơn nữa, dữ liệu là tài nguyên và tài sản trong nước thì phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam hoặc được sự cho phép của Việt Nam. Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết tới hạ tầng số. Không có hạ tầng số thì Việt Nam sẽ không có chủ quyền số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.