Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện thờ tư, ai quản?

ANHTHU| 12/09/2004 07:53

Chưa có thống kê chính thức song theo ước đoán, số lượng điện thờ tư nhân trên địa bàn thành phố khá lớn; một số nơi tập trung tương đối nhiều như các phường: Chương Dương, Phúc Tân, Giảng Võ... Vấn đề đặt ra là quản lí điện thờ tư nhân như thế nào?

Tính sơ bộ, trên địa bàn phường Chương Dương có sáu điện thờ tư nhân, trong đó ba điện thờ có tên: Phúc Ninh Từ, Quang Minh Điện, Thiên Ninh Điện; phường Giảng Võ có 13 điện thờ, chủ nhân đều là người làng Giảng Võ ngày trước... Đây chỉ là thống kê của một vài đơn vị cấp cơ sở, còn hiện tại, vẫn chưa rõ con số chính thức điện thờ tư nhân trên địa bàn từng quận, huyện nói riêng và toàn thành phố nói chung. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng chưa nắm được quy mô, đặc điểm, hoạt động của từng điện thờ như thế nào và đây chính là khó khăn chủ yếu đối với công tác quản lí.

Thực chất, điện thờ tư nhân, còn có tên gọi khác nội thờ tư, là nơi thờ tự, nơi hoạt động tín ngưỡng của từng gia đình và hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Nhiều điện thờ tư nhân có thời gian tồn tại tương đối lâu. Ví dụ, trước đây, làng Giảng Võ từng có hơn 40 điện thờ. Sau đó, vì chiến tranh tàn phá, dân trí nâng cao nên điện thờ tư không phát triển mà ngày một giảm dần. Những điện thờ này hoặc thờ cúng ông bà, tổ tiên hoặc thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian như thờ Chư vị, thờ Mẫu, thờ Thành hoàng... Một số điện thờ kết hợp thờ tổ tiên với thờ Mẫu, thờ Phật... Hầu hết điện thờ có ba ban: Ban giữa thờ Phật, ban tả thờ Đức thánh Trần, ban hữu thờ Mẫu. Kiểm tra mặt vật thể bao gồm hai yếu tố kiến trúc và tự khí, nhiều điện thờ khá lôm côm. Phần lớn chủ điện thờ có trình độ học vấn thấp, vô công rồi nghề; chỉ một số ít học hành tử tế; do đó mới có chuyện khi được hỏi, chủ một điện thờ có tiếng ở Giảng Võ đành chịu không giải thích được mấy chữ Hán trên hai bức hoành phi, đôi câu đối là gì, thậm chí lúc kí vào biên bản xử lí sai phạm còn viết tên sai chính tả.

Nhìn chung, đây là một dạng hoạt động tín ngưỡng của người dân nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cho phép. Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động của không ít điện thờ tư nhân đã biến thái sang nhiều hình thức mê tín, dị đoan và thu hút khá đông người dân đến tham gia. Quá trình này diễn ra như sau: Một số chủ điện thờ lập điện xuất phát từ việc thờ cúng dòng họ, tổ tiên song do dư luận đồn đoán, người từ các nơi kéo tới xem, cúng bái nên đã lợi dụng mà tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan nhằm trục lợi như hầu đồng, xem bói, bán thẻ, gieo quẻ... Các hoạt động trên đặc biệt rộ lên dịp cuối năm, những ngày rằm tháng giêng, tháng bảy... Đến đây, những hoạt động không lành mạnh nơi các điện thờ tư nhân đã làm nảy sinh không ít vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội và trước hết là trật tự trị an trên địa bàn có điện thờ mà hậu quả của nó như thế nào thì ai cũng đã rõ. Điều đáng lưu ý là trong số những người thường xuyên tới lễ bái có không ít trí thức, công chức, cán bộ và cả học sinh, sinh viên. Báo cáo của UBND phường Giảng Võ cho biết, những người này phần lớn đều là khách thập phương, từ các quận, huyện khác, người dân sở tại không mấy ai lại lui tới vì biết quá rõ “người hàng xóm” nhà mình.

Theo một cán bộ Sở VH-TT, ngành Văn hóa thành phố đang tiến hành:

1. Khảo sát một cách hệ thống số lượng điện thờ tư nhân.

2. Đề xuất, xây dựng quy chế quản lí cũng như biện pháp xử lí chủ điện thờ tư nhân có sai phạm.

Tuy nhiên, vẫn cán bộ trên thừa nhận, xử lí vi phạm không dễ dàng, đòi hỏi sự tham gia liên ngành phối hợp với chính quyền cơ sở mới có thể thực hiện hiệu quả. Khi kiểm tra lại phải “bắt tận tay, day tận trán”, nếu không người vi phạm chối bay chối biến.

Theo một cán bộ Sở VH-TT, do những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường mà hiện nay số điện thờ tư nhân đang phát triển với tốc độ khá nhanh, đương nhiên kéo theo không ít tiêu cực. Vả lại, đây là lĩnh vực chưa có văn bản quản lí Nhà nước nào đề cập đến, cơ quan chức năng muốn cấm thì không được phép. Trước thực trạng này, Sở Văn hóa - Thông tin đã có một số văn bản nhắc nhở, yêu cầu ngành chức năng cấp quận, huyện, chính quyền cơ sở tiến hành kiểm tra nhằm quản lí chặt chẽ hơn nữa. Cách đây ba năm, Sở VH - TT đã phối hợp với quận Ba Đình, phường Giảng Võ yêu cầu các thầy cúng trên địa bàn phường kí cam kết không tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan. Trong một đợt kiểm tra của ngành Văn hóa thành phố, hầu hết chủ điện thờ tư nhân đều khẳng định không tổ chức hoạt động mê tín dị đoan song đáng ngạc nhiên là vẫn có một chủ nhân điện thờ tư ở phường Giảng Võ ngang nhiên thừa nhận có tổ chức (!).

Sự xuất hiện, hoạt động của các điện thờ tư nhân không phải là hiện tượng mới mẻ. Trước tình trạng không ít điện thờ tư nhân đang có nhiều hoạt động biến tướng, không lành mạnh ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn minh nơi cơ sở, thiết nghĩ cần phải có quy định, chế tài cụ thể để quản lí, xử lí vi phạm thật chặt chẽ, hiệu quả mà bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện thờ tư, ai quản?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.